Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Một phút dỗi hờn

Một phút dỗi hờn giao hưởng tình yêu
Một phút dỗi hờn để thương để nhớ
Em phụng phịu nguẩy đầu, chau mày như bà cụ
Anh lạc giữa đơn côi rối rít giảng hoà

Một phút dỗi hờn anh mang đi xa
Mang vào đêm mong, mang vào tháng đợi
Khi gần em chỉ sợ em hờn dỗi
Xa nhớ hờn nhớ dỗi nghẹn cồn lên

Một phút dỗi hờn gánh cả cô đơn
Nếu thiếu nó đời anh nghèo biết mấy
Nhưng mỗi bận bên em vẫn lo em ngúng ngẩy
Lóng ngóng tay anh chẳng biết nấp nơi nào
Em bủa lưới dỗi hờn vây trái cấm tình yêu

                             Lê Cảnh Nhạc

Câu hỏi không lời đáp

Mẹ ơi sao ngày Tết
Trẻ con mặc áo đẹp
Thì mới được lì xì
Vậy trẻ sống vỉa hè
Lấy đâu ra áo mới

Mẹ ơi cái phong bì
Dùng để gửi thư đi
Sao phong bì có khi
Gửi tiền tem chả dán

Mẹ bảo con gắng học
Lớn nhàn nhã chân tay
Chú học giỏi học tài
Sao xin đi “lao động”

Mẹ ôm con thinh lặng
Mắt cứ dõi đăm đăm
Mai sau con lớn khôn
Học đi rồi sẽ rõ.
Lê Cảnh Nhạc

Bạn

Đôi môi chúm chím nụ cười
Cùng nhau bập bẹ "mẹ ơi"tiếng đầu

Đôi tay tíu tít vẫy chào
Ngón như tia nắng kết vào hoa thơm

Đôi mắt-gương của tâm hồn
Khóc đều nhỏ lệ, ngủ luôn khép cùng

Đôi chân giày dép so chung
Một bên vấp, cả hai cùng nhói đau

Bạn thân dù ở nơi nào
Buồn vui, cay đắng, ngọt ngào nhân đôi.
Lê Cảnh Nhạc

Ánh sáng và bóng tối

Ánh sáng khoác áo trắng
Bóng tối thắt áo đen
Ánh sáng thắp nắng lên
Bóng tối che trăng khuất
Ánh sáng trải rộng khắp
Bóng tối cứ u mê
Ánh sáng dẫn em đi
Bóng tối xô em ngã
Ánh sáng đơm hoa lá
Bóng tối vùi cỏ cây
Ánh sáng bừng muôn nơi
Bóng tối luồn bóng nấp
Ánh sáng vây bốn mặt
Bóng tối chạy biệt tăm
Bóng tối hù doạ em
Ánh sáng xua biến hết
Đêm Ánh sáng tạm biệt
Bận đi đón Ngày Mai
Muốn đi cùng dễ thôi
Chong đèn vào trang sách
Lê Cảnh Nhạc

Dấu hỏi trên dốc bàn

Mấy hôm bạn chẳng đến trường
Bập bênh cái ghế dội lòng trống trơn
Lớp chật nay lạnh, thưa hơn
Giờ chơi lác đác gác luôn bao trò.

Nhảy dây thiếu Thảo xóm Chùa
Đá banh vắng cả Hải “vồ” bắt gôn
Cây bàng ôm bóng cô đơn
Nhớ thằng cu Tý hay luồn hay đu.

Chiều nay cả lớp cùng cô
Đi xem mấy đứa sao chưa đến trường
Kể chi chật ghế hẹp bàn
Kề vai lép bụng chen hàng vẫn vui.

Cùi tay bạn, cùi tay tôi
Xếp chồng bao dấu hỏi trôi dốc bàn.
Lê Cảnh Nhạc

Âm thanh tuổi thơ

Ngày thơ ấu đi qua
Mơ ước nhen lên từ chiếc khăn quàng đỏ
Tiếng trống ếch bập bùng trong trí nhớ
Ngân dài theo năm tháng cuộc đời.
Thời gian hòa bao nỗi buồn vui
Buổi duyệt Đội năm xưa tưởng đâu còn trở lại
Đã xa rồi những trại hè thuở ấy
Rạo rực tim tôi tiếng gọi những con đường
Bè bạn chơi trò “Mèo đuổi chuột” đêm trăng
Giờ đã đi xa khắp mọi miền đất nước
Tôi tìm về trong niềm háo hức
Với mái trường xưa... thánh thót tiếng “thưa thầy”
Bên đàn em thơ ngây
Chiếc khăn quàng năm nao thắm vai Người phụ trách
Bao năm rồi khăn vẫn ngời đỏ rực
Tôi nghe vọng thì thầm tiếng nói tuổi thơ xưa.
Kia vẫn trò chơi “Mèo đuổi chuột” đêm khuya
Anh nhún nhảy huýt còi cho em tìm đuổi
Bè bạn vòng quanh reo vui như ngày hội
Trăng nhô lên thức dậy cả vòm trời.
Âm thanh tuổi thơ xao động suốt cuộc đời
Ai cũng một lần qua, xin đừng quên trở lại
Âm thanh tuổi thơ mãi dội về lay gọi
Giữa hồn tôi xòe nở những búp chồi.
Lê Cảnh Nhạc

Cây tùng già và cây thông non

Khoá bổ túc thi xong
Em về đây tập huấn
Cây tùng già vươn chồi hứa hẹn
Bác nông dân nay lên lớp tám rồi.

Ánh mắt ngời những tia sáng vui tươi
Nhớ buổi lội đồng tìm học viên nhóm lớp
Giờ nhún nhảy rộn ràng múa “bài ca sum họp”
Buổi đầu tiên còn lúng túng, ngập ngừng.

Phải không em?
Hết mùa tùng già đến lứa thông non
Bao cô giáo về tập làm phụ trách
Chưa quen “múa đoàn tàu” sợ quàng vai bạn khác
Túm tíu ngượng ngùng lẩn trốn lưng ai.

Gió sáng nay lồng mái tóc bay
Khoả nụ cười bừng lên trong vòng múa
Em say sưa trở về cùng tuổi nhỏ
Ríu rít bài ca thơ ấu mê say.

Cây tùng hôm qua, cây thông hôm nay
Cho em niềm vui, cho anh thổn thức
Anh muốn đến bên em múa “bài ca sum họp”
Nhưng lại sợ bạn nhìn đành đắm mắt trông theo

Nghe không em
Những lá tùng reo
Những lá thông reo...
Lê Cảnh Nhạc

Ảo ảnh

Đôi mắt em chợt bùng ánh lửa
Nỗi sợ chiều đông không còn hơi ấm nữa
Đáy yêu thương dìm chết dại khờ

Bạch Tuyết hồi sinh vẫn ngơ ngác trong mơ
Bởi thuốc độc cài vào lòng táo chín
Ảo ảnh chập chờn, nai vàng qua bến
Thấy bóng mình sợ nước cuốn trôi đi

Tay run run trước chốt cửa cuộc đời
Sau tia chớp, màn tối dày khép kín
Tiếng gõ cửa…em bàng hoàng rùng rợn
Bởi ngoài kia vẫn lắm bóng yêu tà

Đừng thế nghe em,
Đừng như thế bao giờ…
Lê Cảnh Nhạc

Vết chai tay

Bàn tay em cầm phấn
Nuột nà như búp hoa
Ai hay lòng tay ấm
Vết chai lên bao giờ.

Sớm chiều em đến lớp
Sao áo em bạc màu
Cuộc đời sau bục giảng
Mưa gió lùa phương nao

Gót chân em thanh tao
Trống tan trường vội vã
Bộn bề bao lo âu
Bếp chiều lay lắt lửa.

Tao tác gió đời thường
Xô đẩy dòng giáo án
Nhẩm bài lên lớp giảng
Tay băm bèo thái khoai

Kìa ánh mắt thơ ngây
Bồn chồn như nắng sớm
Ngước long lanh chờ đón
Cháy quanh em đêm ngày

Ôi búp hoa nhỏ nhoi
Thắp lên ngàn tia nắng
Vết chai lên thầm lặng
Xin ai đừng lãng quên
Lê Cảnh Nhạc

Quê hương trong nỗi nhớ về cha

Ước được làm thi sĩ mùa xuân
Viết trường ca tặng Cha và cuộc sống
Nhớ quê hương, lòng nhen đầy khát vọng
Cả cuộc đời được ríu rít quanh Cha.

Tuổi ấu thơ như một khúc dân ca
Cất lên lâu rồi dư âm còn vọng mãi
Màu đỏ khăn quàng, sân trường nắng chói
Phượng vĩ rắc đầy trên lối tuổi thơ qua.

Những khoảng trời ký ức đã đi xa
Mãi gắn với tuổi thơ đầy háo hức
Núi tắm mưa bay, biển ngời sóng bạc
Dòng La dài dào dạt tiếng ca ngân.

Như con chim non lạc giữa rừng xuân
Líu lo hân hoan trong lòng sông núi hát
Tình quê hương tụ bồi như bến nước
Phù sa dồn năm tháng mê say

Nhớ khói hương trầm trong thanh vắng lan bay
Tóc Cha rung trước bàn thờ của Mẹ
Nén đau thương giữa một thời trai trẻ
Cha khép cửa dang lòng ôm ấp con thơ

“Ngày con ra đời mẹ đã mất chưa Cha?”
Câu hỏi ngây thơ xé lòng lệ chảy
Giữa ấm áp yêu thương Cha vỗ về nuôi dạy
Trăng lặn từ bao giờ trong câu hát Cha ru

Suốt cuộc đời thanh bạch chẳng vinh hoa
Sống bình lặng như cuối nguồn sông chảy,
Biển cả mênh mông, những cánh buồm vẫy gọi
Phù sa lắng vào bờ, đâu tiếc chuyến đi xa.

Ước mơ cuối đời mãnh liệt của lòng Cha
Được gần gũi bên suối ngàn Mẹ nghỉ
Khi tung cánh vào đời, đàn con đầy sức trẻ
Say lòng Cha những tiếng hót trong lành.

Nén hương năm nào, ngày giỗ mẹ thiêng liêng
Giọng Cha trầm dặn dò đàn con nhỏ:
“Ngày Cha qua đời... Các con ơi, hãy nhớ
Giỗ Cha bằng khôn lớn cuộc đời con”.

Cha, Cha ơi... mãi mãi với mùa xuân
Đừng bao giờ có ngày băng giá đến,
Dẫu đêm tối đông về theo thời gian hiển hiện
Rợn lòng tay tóc trắng gió bay lìa...

Từng phút, từng giờ thao thức với quê hương
Nơi ấy có Cha, có những gì quý nhất
Có tuổi thơ bay trong cánh cò trắng muốt
Nắng ca dao lấp lánh suốt cuộc đời.
Lê Cảnh Nhạc

Mẹ vĩnh hằng

Con chào đời,
Lộc nhú từ cây, mầm ươm từ đất
Mẹ dắt con đi khi con chưa tập bước
Bằng tiếng ầu ơ trái đất bầu trời.

Tiếng ru cất lên nhân nghĩa cuộc đời
Cho con thương yêu cái cò cái vạc
Yêu những luống cày, yêu người gieo hạt
Nâng bát cơm thơm biết quý giọt mồ hôi

Con lớn lên, đồng níu mẹ hai vai
Bão giật tháng ba, lũ tràn tháng tám
Đắp đập vá đê, be bờ chống hạn
Hạt gạo nuôi con biết mấy tảo tần

Cắm bàn tay giá buốt xuống đồng
Để cây lúa trổ đòng đơm hạt mẩy
Cơm trọ trường xa dành con mùa gạo mới
Mẹ lót chum khoai chống chọi với mùa màng

Câu hát lời ru nuôi lớn tâm hồn
Hạt gạo củ khoai cho con dáng vóc
Gửi con vào đời bao niềm mong ước
Tối lửa tắt đèn mẹ chẳng muốn con hay

Ngóng tin con bấm đốt từng ngày
Con khôn lớn nên người là bếp nồng đêm lạnh
Mẹ chẳng đợi gì hơn dẫu chiều tà sương động
Vin bóng buông màn khi nắng tắt trăng lên

Cuộc đời con có mẹ, có mùa xuân
Có tiếng hát của sông dài biển rộng
Con xin mẹ vĩnh hằng đừng bao giờ tắt nắng
Dù bóng xế chiều, tóc mẹ trắng phơ bay.


                        Lê Cảnh Nhạc


Cung đàn Nga và em bé Việt Nam

(Tặng các em Trường múa Ki-ép)

Bản giao hưởng cất lên
Khi dư âm những bài ca chưa dứt
Nhạc Trai-cốp-xki
Sau làn dân ca Việt Nam bè bạn hát
Rộn rã cung đàn điệu vũ ba-lê
Ánh mắt ngời trong sáng say mê
Em bé Việt Nam bừng lên trong vòng múa
Gương mặt thơ ngây bồng bềnh tóc xoã
Như đang bay lên cùng khúc nhạc Nga
Ơi rừng bạch dương, ơi sóng Von-ga
Ơi cung đàn Nga đẫm hồn nghệ sĩ
Lâng lâng đôi tay cánh chim non trẻ
Chấp chới bay vào thế giới vô biên
Những khúc nhạc Nga và em bé Việt Nam
Rạo rực giao duyên giữa thăng trầm cung bậc
Khoáng đạt thanh cao hình hài non nước
Vươn mình lên lấp lánh với sao trời
Nước mắt không còn rấm rức suốt một đời
Đêm múa đội đèn vết dầu loang mái tóc
Ai oan tiếng đàn bầu nhói lòng dân mất nước
Mẹ múa suốt canh dài, con đói khóc hàng hiên
Rực rỡ cuộc đời đất nước trong em
Tiếng đàn bầu của cha, điệu múa đèn của mẹ
Đất nước trong em - cung đàn bốn bể
Cung đàn Nga là giao hưởng ban đầu

(Vongagrat, Xuân1995)
Lê Cảnh Nhạc

Trước nghĩa trang Hàng Dương

Cây dương già vươn cành về phương Bắc
Hoá thân cùng Chị Sáu linh thiêng
Cát Hàng Dương bay trắng trời Núi Chúa
Côn Đảo thơm hương khói toả trăm miền

Kẻ thù bao lần xóa đi dấu vết
Đàn áp người tù, phá mộ, đập bia
Xương trắng long đong khi gió chướng tràn về
Cồn cát uất trào những nấm mồ không tên không tuổi

Bảy Cạnh, Cầu Tàu,Chuồng Bò, Núi Chúa
Hòn Cau, Hòn Tre, Cỏ Ống, Bến Đầm
Hàng Dương, Hàng Keo... những chứng tích trăm năm
Tội ác chất chồng hai đời Chuồng Cọp.

Người đang sống tiếp bước người đã khuất
Tuyệt thực đấu tranh, dẫu chết chẳng li khai
Cởi áo trao nhau khi vĩnh biệt cuộc đời
Tấm áo tù ấm hồn thiêng đồng chí

Hai mươi ngàn ngôi sao
Không bao giờ tắt
Lấp lánh anh linh hai mươi ngàn chiến sĩ
Trùng điệp hàng bia sắc đá nền cờ

Mộ Chị Sáu giờ đây rợp bóng lê ki ma
Cây dương già hóa thân mầm xanh từ Đất Đỏ
Khói hương thơm lừng trên từng nấm mộ
Thiêng liêng hồn sông núi vọng ngàn năm.

(Côn Đảo, tháng 7-2002)
Lê Cảnh Nhạc

Làng sen - đài sen

Đài Sen từ Làng Sen
Toả hương dâng đất nước
Ơi Làng Sen - Đài Sen
Tụ niềm yêu kính Bác
Tháng năm nhen mơ ước
Trăm phương con cháu về

Núi Chung ngàn thông reo
Dòng Lam muôn sóng vỗ
Hát bao lời mong nhớ
Ru bao lời yêu thương

Nếp tranh vương khói sương
Râm bụt chen nắng nở
Tiếng chim đầy vườn nhỏ
Ríu ran miền tuổi thơ

Từ đây hương lan xa
Từ đây bừng nắng toả
Tháng Năm ngày hội tụ
Tháng Năm về Làng Sen.
Lê Cảnh Nhạc

Xin làm hạt phù sa

Xin dâng lời của nắng
Mang lửa ấm mặt trời
Xin dâng lời biển cả
Mang bao dung tình người

Chiến tranh đã qua rồi
Bão tố đã qua rồi
Vết thương còn rỉ máu
Mầm non không đâm chồi

Ánh mắt cho em thơ
Thắp lửa từ ngàn nắng
Nụ cười cho em thơ
Kết tình yêu biển rộng

Bắt đầu từ giọt nắng
Góp nên lửa mặt trời
Bắt đầu từ hạt muối
Kết vị mặn biển đời

Ước làm một hạt phù sa
Ước làm một tiếng chim ca xanh trời
Ước làm tia nắng vàng tươi
Ước làm một hạt mưa rơi ấm chồi.


Lê Cảnh Nhạc

Khúc giao mùa lặng lẽ...

Theo nhà thơ Chu Thị Thơm - Tạp chí Nhà văn 2005; Evan-Vnexpress

 * Nhân đọc tập thơ Khúc giao mùa của Lê Cảnh Nhạc
Lê Cảnh Nhạc viết văn xuôi nhiều hơn là thơ. Nhưng bạn đọc lại nhớ đến anh qua những vần thơ trữ tình với những cung bậc cảm xúc sâu lắng, thiết tha nhiều hơn. Đây là một hạnh phúc không dễ dàng có được đối với số đông người cầm bút.

Đọc thơ Lê Cảnh Nhạc, ta nhận ra có một thế giới của tâm trạng và những nỗi niềm xưa cũ bất chợt ùa về. Và phút giao mùa trong thơ anh lại là sự khởi đầu của những cảm thức thiết tha, sâu lắng trong tâm trạng. 41 bài thơ trong tập, vì thế là 41 lớp lang cảm xúc với nhiều cung bậc khác nhau.

Lê Cảnh Nhạc là người không giấu mình trong thơ. Mọi điều khó nói nhất trong cuộc đời này, với anh cũng trở nên giản đơn, dễ hiểu. Ấy là khi anh nhận ra chung quanh mình, không gian bốn bề đấy ắp tình yêu và nỗi niềm thương nhớ. Điều mà thi sĩ quan tâm nhất cõi đời này là tình yêu. Ở đâu có tình yêu thì ở đó có cái đẹp và cái đích thực của cuộc sống ngự trị. Quá nửa số bài thơ trong tập, thi sĩ nói về cõi nhớ và niềm yêu. Khi tác giả nhận ra: Em bủa lưới dỗi hờn vây trái cấm tình yêu thì cũng là lúc thi sĩ lo lắng, sự lo lắng lúng túng rất đáng yêu của người trong cuộc: Một phút dỗi hờn gánh cả cô đơn/Nếu thiếu nó đời anh nghèo đi biết mấy/ Nhưng mỗi bận bên em vẫn lo em ngúng nguẩy/ Lóng ngóng tay anh chẳng biết nấp nơi nào (Một phút dỗi hờn). Còn đây là một ước mong muôn thuở của thi sĩ, dẫu còn ít nhiều nghi hoặc: Em có là cầu tàu/ Đón thuyền anh cập bến?/ Em có là đảo xa/ Chờ thuyền anh vượt biển?... (Hãy là nơi anh đến). Những câu hỏi tu từ xoáy sâu vào tình cảm của biết bao đôi lứa yêu nhau, không dễ gì có sự trả lời. Nhưng ở đâu có niềm thương và nỗi nhờ thì ở đó con thuyền tình yêu sẽ cập bến Tình. Điều mà tác giả ước ao không phải không trở thành sự thật. Và nó chỉ trở thành sự thật khi trong mỗi cuộc đời có một tình yêu lớn lao đủ sức nâng đỡ và đưa con người đến sự cao cả với cái đẹp vĩnh cửu. Lê Cảnh Nhạc không có sở trường dùng những mỹ từ với lối viết khoa trương. Bản thân tình yêu không cần sự khoa trương. Nó giản dị như cuộc đời rất thật này. Hãy nghe nhà thơ nói về khát vọng tình yêu như khát vọng của đại dương với những bí ẩn và chiếm lĩnh, giao cảm với đời: Xin em đừng là bờ, em đừng là bãi cát/In trăm dấu chân người, biển khỏa lấp si mê/ Để bãi cát trăm lần vẫn trinh bạch soi ánh sáng pha lê/ Khiến đại dương ngàn đời cồn cào quanh gót trần lục địa... (Tình của biển). Trong thơ Lê Cảnh Nhạc, luôn thảng thớt sự cô đơn và lo lắng. Biết rằng nỗi lo là có thật khi anh xót xa người bạn đời gầy như năm tháng. Bóng gầy đó đã nhen lên trong anh biết cao hy vọng, như giọt nắng đổ bóng vào những tháng ngày si mê: Như nỗi nhớ se lòng/ Mỏi mòn nhen hy vọng (Em ơi, sao em lại gầy).

Trong bài thơ sân khấu cuộc đời, thi sĩ đã thừa nhận trong đáy hồn mình "luôn hiện hữu thiên thần và quỷ sứ" và "thiên thần dâng tặng em cho anh" khi "quỷ sứ chực làm trái tim anh vỡ nát". Hai mặt cuộc sống, cũng như sự đối lập tương phản của cuộc đời luôn luôn hiện hữu và có thật: Thiên thần gieo mầm tình yêu, hạnh phúc/ Quỷ sứ dẫn anh đi bẻ trái cấm địa đàng. Đằng sau những mất mát với những giọt nước mắt khổ đau là một sự ngộ ra bản thể, ngộ ra chính mình. Trạng thái thức tỉnh sau những cơn mơ rất quan trọng bởi không ai ngoài bản thân mình có thể làm sống lại những điều mơ ước khát khao. Những câu thơ chiêm nghiệm của Lê Cảnh Nhạc vì thế sâu lắng thiết tha hơn: Nước mắt dài hơn ngày, nỗi đau sâu hơn đêm/ Mỗi khi thiên thần trong anh gục ngã/ Dẫu một phút giây thôi, một phút giây lầm lỡ/ Anh tuột buông rơi vỡ ánh mặt trời...

Đi qua năm tháng, cảm xúc yêu thương khắc khoải ấy vẫn trĩu nặng trong tác giả. Đôi khi bất chợt ùa về, có mà như không, tưởng như vụt biến, nhưng lại hiện hữu bóng dáng yêu thương đâu đó: Em giấu mình trong bí ẩn xa xôi/ Vừa rất thực lại như là ảo ảnh/ Ùa đến nồng say hững hờ lẩn tránh/ để mình anh thảng thốt tê lòng (Khúc giao mùa).

Khúc giao mùa trong thơ Lê Cảnh Nhạc có những cung bậc cảm xúc yêu thương như thế, nhưng cũng có những quặn thắt với những khát khao và mơ ước chưa nói được thành lời.

Thơ Lê Cảnh Nhạc còn là tiếng nói sẻ chia, đồng vọng với những số phận, cuộc đời và những vùng đất anh đã đi qua. Một mùa đông lạnh giá tuyết rơi trên sông Vonga, một cung đàn Nga vang lên ở nơi xa Tổ quốc, hàng dương trắng lạnh lẽo giữa trùng khơi Côn Đảo... cho đến những hình ảnh thân thương của quê hương và những người thân đã vào thơ anh một cách tự nhiên, chân tình, da diết thẳm sâu qua những con chữ giản dị mà chân thật. Anh nói với mẹ trong lòng biết ơn vô hạn: Tiếng ru cất lên nhân nghĩa cuộc đời/ Cho con thương yêu cái cò cái vạc/ Yêu những luống cày, những người gieo hạt/ Nâng bát cơm thơm biết quý giọt mồ hôi... (Mẹ vĩnh hằng). Thì ra ý nghĩa cuộc đời là sự thấu hiểu và biết ơn như thế này. Cũng như những điều anh cảm nhận về người cha đã khuất qua sự chiêm nghiệm giữa quá khứ và thực tại, giữa cái còn và mất, giữa cái có thể và điều không thể...

Từng là thầy giáo, Lê Cảnh Nhạc luôn có những nỗi niềm yêu thương với những con người đã và đang hàng ngày bên bảng đen phấn trắng. Hình bóng yêu thương của mái trường và những người đứng trên bục giảng đã xuất hiện trong thơ Lê Cảnh Nhạc một cách yêu thương trìu mến... Những giọt phù sa của yêu thương, của khát khao đã ùa vào những trang thơ Lê Cảnh Nhạc. Điều đó lý giải tại sao, thi sĩ không cần chú trọng đến câu chữ với sự cách tân cầu kỳ, nhưng sự mộc mạc, giản dị ấy đã thuyết phục người đọc ở cái tình đối với những điều mình thể hiện.

Về bài thơ “Dòng sông nguồn cội” của Lê Cảnh Nhạc

Theo Thế Lữ - Báo Thanh tra số Xuân Kỷ Sửu


Thời mở cửa, lượng doanh nhân thành đạt ngày càng nhiều. Hơn 20 năm qua, đã có hàng nghìn bài viết về họ. Các tập sách cũng ngày một nhiều hơn. Nhưng đó chủ yếu là những bài ghi chép, phóng sự… còn thơ viết về doanh nhân thì thật hiếm. “Dòng sông nguồn cội” là một trong số rất ít bài thơ như vậy.

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội viết bài thơ này trong chuyến đi công tác tại Kharcov (Ucraina) vào tháng 8/2008. Bài thơ viết về doanh nhân trẻ Phạm Nhật Vượng. Thể thơ tự do, ngắn gọn, hàm súc như một bản lý lịch trích ngang của doanh nhân. Hiện tại, Phạm Nhật Vượng là Chủ tịch Tập đoàn Technocom, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại Ucraina. Anh cũng là người phát tâm kiến lập chùa Trúc Lâm Kharcov - ngôi chùa Việt đầu tiên ở Ucraina. (Báo Thanh tra Tết Mậu Tý đã có bài giới thiệu).

Tôi có may mắn là biết Lê Cảnh Nhạc và Phạm Nhật Vượng. Cách đây hơn 20 năm, cả 3 chúng tôi đều được học tập ở Liên Xô cũ. Vào thời điểm Liên Xô tan rã, bao nhiêu khó khăn đến với họ, cuộc sống của chúng tôi cũng chịu những tác động không nhỏ, vừa học tập vừa phải kiếm kế mưu sinh. Tôi với Phạm Nhật Vượng là đồng hương Can Lộc, Hà Tĩnh. Tôi với Lê Cảnh Nhạc đã một thời học chung cùng lớp 3 năm liền ở quê nhà. Chính những điều này giúp tôi cảm nhận được sâu sắc, đầy đủ về tác giả và nhân vật của bài thơ.

Quê hương của Phạm Nhật Vượng là vùng “địa linh nhân kiệt”. Truyền thuyết kể lại rằng: Từ thủa hồng hoang, ông Đùng đã sắp đặt lại 99 ngọn núi cao của dãy núi Hồng Lĩnh. Ông Đùng dạy dân đào quặng sắt, đúc lưỡi cày, lưỡi mác trồng cây, đánh giặc, đắp đập, quai đê… Một vùng quê có truyền thống chế ngự thiên nhiên và đánh giặc. Vùng quê ấy đẹp bởi có dãy Hồng Lĩnh điệp trùng 4 mùa thông reo, soi mình trên bóng nước La Giang. Vùng quê ấy sản sinh ra nhiều doanh nhân, khoa bảng, nhiều con gái xinh đẹp, nết na được chọn làm cung phi cho không ít đời vua: “Kiệt Thạch tam khoa tam tiến sĩ/Hằng Nga cửu thế cửu cung phi”. Từ xưa, con gái Can Lộc giỏi trồng dâu, dệt vải, giỏi đối đáp. Minh chứng điều này được thể hiện trong 10 năm lui về ở ẩn quê nhà (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nhưng hàng đêm Nguyễn Du vẫn vượt Kẻ Treo (Ngàn Hống) để sang đất Can Lộc hát phường vải giao duyên. “Trường Lưu nhị nữ”, “Hát phường vải”… là những sáng tác của Nguyễn Du về mảnh đất Can Lộc này.

Can Lộc xưa là vậy. Can Lộc nay sống trọn trong trái tim của hàng triệu người với Ngã ba Đồng Lộc, với 10 cô gái hiếu thảo với gia đình, trung trinh với bè bạn, ngẩng cao đầu trước hàng vạn bom rơi, mở đường cho xe ra trận. Miền đất ấy, cội nguồn ấy đã cho Vượng một trí tuệ, một nghị lực vươn lên khẳng định mình ở xứ người. Bây giờ anh có “vương quốc riêng” xanh trời Can Lộc trong lòng TP Kharcov, có Sun City Plaza, Barabasova, có Trường Việt Nam, có Trúc Lâm tự - một quần thể kiến trúc chùa Việt Nam mang màu sắc Phật giáo vốn xa lạ với người châu Âu, nhưng góp phần làm phong phú thêm nét văn hoá đa sắc tộc trên mảnh đất này. Thương hiệu mì Việt Nam Mivina được sản xuất ở Kharcov, tạo công ăn việc làm cho hơn 3.000 người.

Trong nhiều thứ rượu ngon đưa ra mời khách quý từ Việt Nam sang, có cả thứ rượu “hồn quê quốc lủi” đựng trong chai nút bằng lá chuối khô, đó là thứ rượu truyền thống ở làng Kẻ Trang, Khánh Lộc, là hương vị quê nhà không cao siêu nhưng thắm tình, nặng nghĩa. Con người nặng lòng với quê là vậy. Ở Việt Nam, anh đã từng xây Vincom, Vinpearl Land. Có về quê Vượng mới biết được rằng, Can Lộc đẹp nhưng vẫn còn nghèo và nghiệt ngã. Đúng như anh Nhạc nói: “Mùa hè, gió Lào thổi quăn cả trang sách. Củ sắn còn gầy, hạt thóc còn lép. Người quê còn quá tảo tần, nhưng vùng đất đó chắt chiu cho sự học”.

Hình ảnh con sông Nghèn chảy suốt dọc bài thơ của Lê Cảnh Nhạc có điều gì đó khắc khoải. Con sông Nghèn chảy qua Cầu Trù, xuôi bến đò Hạ Vàng rồi ra biển. Con sông chảy qua một phần tuổi thơ của Vượng, nhưng chảy suốt dọc quãng đời thơ ấu và vị thành niên của ông Phạm Dương, bố đẻ anh. Vì hoàn cảnh riêng, từ nhịp cầu này, từ bến đò này, ông Phạm Dương đã nuốt nước mắt, tạm biệt quê nghèo ra đi kiếm sống. Ông Dương là người nặng lòng với quê, ông mất khi chưa giúp được gì nhiều cho quê. Nhưng hôm nay, con trai ông đã xây một trường dạy nghề, một nhà trẻ trị giá hơn 20 tỷ đồng tặng quê nhà. Ân nghĩa, tấm lòng ở đời là vậy.

Trong thơ Nhạc, hạt gạo quê nhà được lên men, chưng cất với nước sông Nghèn làm nên thứ rượu quê “sóng sánh cả trời Âu”. Đó là cách nói văn chương của Lê Cảnh Nhạc. Thực ra, đó là một quá trình chuyển hoá, sự chắt lọc, thăng hoa. Anh Phạm Nhật Vượng cùng cộng đồng người Việt đã thuyết phục người bản xứ bằng tài năng, sáng tạo, sức lao động quên mình và tinh thần tôn trọng pháp luật nước sở tại, đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước Ucraina. Có như thế, cộng đồng người Việt ở đây mới tồn tại như một bộ phận không thể thiếu được của quốc gia này.

Cuối bài thơ, hình ảnh “con sông Nghèn, sông La” một thời tắm mát tuổi thơ anh giờ đã hoà chảy cùng với những dòng sông nơi xa xứ: Lopan, Uda, Kharcov. Đây là một kết cục có hậu. Một vài lời dẫn chuyện để bạn đọc cảm nhận bài thơ này.


Dòng sông nguồn cội
Tặng anh Phạm Nhật Vượng
Chủ tịch Tập đoàn Technocom - Ukraina

Nước sông Nghèn lên men
Rượu nồng môi nghiêng trời nghiêng đất
Chai rượu Kẻ Trang lá chuối khô mẹ nút
Con mang theo sóng sánh cả trời Âu
Đường Thiên Trù ngàn bậc non cao
Đỉnh Ngàn Hống con về dìu mẹ bước
Kharkov hôm nay xanh trời Can Lộc
Xanh Vinpearl Land, xanh Hồng Lĩnh đại ngàn
Nơi mẹ sinh con
Lửa làng rèn Vân Chàng, Minh Lang không bao giờ tắt
Ông Đùng xếp núi Hồng
Ông Đùng đào quặng sắt
Ông Đùng dạy dân làng đúc lưỡi cày, lưỡi mác
Trồng cây, đánh giặc, đắp đập, quai đê
Củ sắn gầy mẹ giấm bãi chiêm khê
Hạt lúa đất phèn quạt từ bông lép
Nuôi con lớn lên suốt một đời khó nhọc
Như giọt rượu Nghèn mẹ cất nước sông quê
Mẹ ơi!
Giờ chúng con xây
Những toà tháp Vincom
Sun City Plaza
Barabasova
Những ngôi trường
ở Việt Nam, ở Ucraina
và chùa thiêng Kharkov
Xây tầm cao dáng Việt
Trong linh thiêng dòng chảy cội nguồn
Líu lo trẻ thơ trường học Mùa Xuân
Xa đất nước vẫn hát lời mẹ hát
Trang sách hôm nay
Không quằn khô gió Lào nắng khét
Theo tuổi thơ con chân đất đến trường làng
Chúng con ngẩng cao đầu nghe hai tiếng Việt Nam
Trong kiêu hãnh mỗi khi bè bạn gọi
Mivina vượt qua nhiều biên giới
Thương hiệu Việt Nam, trí tuệ Việt Nam
Sông Nghèn sông La tắm mát tuổi thơ con
Đang hoà chảy cùng Lopan, Uda, Kharkov
Chén rượu thơm nồng từ sông Nghèn mẹ chắt
Con rót mời bè bạn khắp phương xa
Kharkov, ngày 5/8/2008
Lê Cảnh Nhạc

* Chú thích ảnh:
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng (bìa phải) và nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, tác giả “Dòng sông nguồn cội” tại một góc chùa Trúc lâm Kharcov.

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

“Dậy nào, ban mai” - niềm yêu của một người cha

 Theo TS Lã Thị Bắc Lý - Báo Phụ nữ Thủ đô, số 50, ngày 19/12/2007

“Dậy nào, ban mai” là một trong những bài thơ viết cho con của Lê Cảnh Nhạc. Bài thơ gồm bốn khổ, là sự chắt lọc những nghĩ suy, tình cảm và sự âu yếm của người cha dành cho con; Những chăm chút cho con hôm nay và sự âu lo cho con mai sau.

Bốn câu thơ đầu là lời người cha nhắc gọi con mỗi buổi sớm mai. Lời thơ dịu dàng, tràn ngập một niềm yêu êm ái:
Dậy đi con, chim hót báo thức rồi
Cha lay gọi mà cứ thương cái ngủ
Một ngày mới đón con ngoài khung cửa
Đừng trễ nào, ngày mới sẽ đi qua.


Chao ôi, “cái ngủ” mới dễ thương làm sao. Có đứa trẻ nào mà sớm mai không thèm ngủ. Nhưng giờ học, giờ làm lại chẳng chịu chờ ai. Vậy nên “cái ngủ” đành bị đánh thức dậy. Có cái gì rưng rưng trong câu thơ này: “Cha lay gọi mà cứ thương cái ngủ”. Các em bé đã có rất nhiều bài thơ ru - những bài thơ thật hay ru cái ngủ (Khúc hát ru những em bé ngủ trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm, Con cò - Chế Lan Viên...), Lê Cảnh Nhạc khai thác từ phía ngược lại: đánh thức cái ngủ: “Dậy nào, ban mai”. Ban mai vừa là bình minh của một ngày mới, vừa mang nghĩa ẩn dụ, là bình minh của một cuộc đời. Con cái là ánh sáng, là niềm tin, là sự hy vọng của cha mẹ. ánh sáng thiêng liêng diệu kỳ đó toả sáng cuộc đời cha mẹ.

Ba khổ thơ sau cùng một mạch cảm xúc. Lời nhắc gọi con mỗi sớm mai được gắn với lời ru trong đêm. Đó là lời ru “thấm ngọt giấc mơ”. Bao yêu thương, bao hy vọng, bao niềm tin và nhắc nhở được gửi gắm trong những lời ru đó. Tiếng ru khép lại một ngày đưa em vào giấc ngủ, nhưng tất cả những gì được gửi gắm trong lời ru đó vẫn còn đọng tới ban mai, sẽ lại mở tiếp ra ngày mới. Thời gian là vòng tuần hoàn tiếp nối ngày - đêm, nhưng cuộc sống là sự vận động. Lời ru gắn nối đêm ngày, gắn nối hiện tại với tương lai. Những gì trong lời ru của mẹ cha con chưa kịp nghĩ hôm nay, sẽ nghĩ tiếp ngày mai, nghĩ cả cuộc đời. Trong hành trang vào đời của mỗi một con người, ai dám chắc là không có cả những lời ru, những bóng hình của “cái cò, cái vạc, cái nông...”

ở khổ thơ ba và bốn, tính triết lý đạt đến độ sâu sắc và tinh tế. Vẫn là sự thức gọi của người cha với em bé, nhưng nếu ở khổ một, em bé đó còn đang bé tí thì ở đây, người con đó đã lớn khôn. Người cha không còn đánh thức cái ngủ của con mà đang truyền cho con trách nhiệm:Mai sau, mai sau, khi con lớn khôn
Ngày mới cùng lời ru lại chờ con trước cửa
Nếu mẹ cha không còn bên con nữa
Con chớ đánh rơi tiếng chim gọi mặt trời.

Lá rụng về cội, đó là quy luật của muôn đời. Mẹ cha dù có thương con bao nhiêu cũng không thể đi mãi hết cuộc đời con. Con hãy nhớ lời cha mẹ, hãy gìn giữ lời ru, gìn giữ cuộc sống, nâng niu tiếng chim và bình minh để cho cuộc đời mãi mãi tươi xanh. Tiếng chim gọi mặt trời cũng như tiếng mẹ cha lay gọi con buổi sáng- Con là ban mai, là bình minh của cha mẹ. Lời thơ càng về cuối càng da diết, níu kéo, trăn trở những nghĩ suy. Từ ngữ không mới, nhưng mỗi lần nhắc lại càng khắc sâu thêm nỗi lòng người cha vời vợi âu lo:

Cặp sách mới, tới trường nhiều lối rẽ
Đừng chậm giờ, đừng vấp ngã nghe con.

Con đường mà con tới lớp cũng chính là con đường dẫn con vào cuộc sống. Con đường ấy có nhiều lối rẽ, nhiều bước ngoặt mà trong cuộc đời ai cũng phải trải qua. “Đừng chậm giờ...”, “Đừng vấp ngã...” vừa là lời dặn dò, vừa là sự mong mỏi của mẹ cha theo suốt cuộc đời con. Khi đã đi qua nhiều năm tháng, con người ta càng có ý thức lớn hơn về thời gian. Người cha ở đây cũng đã qua sự trải nghiệm, đã hiểu thời gian là tài sản vô giá của con người. Anh dặn con, ân cần và trách nhiệm: Đừng bao giờ bỏ phí thời gian. Đừng chậm trễ. Thời gian sẽ trôi qua, cuộc đời sẽ trôi qua, cái tài sản quý nhất của mình cũng sẽ trôi qua...

Cả bài thơ được viết với giọng thiết tha, nâng niu, trìu mến. Nâng niu trẻ thơ cũng là nâng niu cuộc đời. Anh viết cho con, nhưng cũng là viết cho mình, viết cho tất cả. Bởi lẽ những suy nghĩ của anh đã chạm tới lòng người và đó chính là giá trị nhân văn của bài thơ, cái để cho tác phẩm có thể sống bền lâu với bạn đọc.

GIAO CẢM - Những lời bình về thơ Lê Cảnh Nhạc

Đối với người cầm bút sáng tác, những lời phê bình, động viên, khích lệ không chỉ là sự ghi nhận những điều đã được tác giả viết lên, mà còn là động lực lớn lao để mỗi khi trầm tư suy ngẫm về cuộc đời, lại thấy có biết bao người đang đồng cảm và tri tâm với những gì ta viết. Để lại thấy, trước quá nhiều những trăn trở, ta không thể "một giây thôi" dừng viết. Xin được đăng tải lên đây những lời bình về thơ Lê Cảnh Nhạc, đã được đăng tải trên các báo và tạp chí, để cảm ơn sự giao cảm này.

* Thơ Lê Cảnh Nhạc - Nhân Dân cuối tuần, số 27, ngày 2/7/2006

“… Trước khi trở thành nhà văn, Lê Cảnh Nhạc đã từng làm một nhà giáo, một nhà báo gắn bó với trẻ em. Chính tình cảm gắn bó đó đã thôi thúc anh sáng tác, dẫn dắt anh hoà nhập vào đời sống văn học thiếu nhi. Tuổi thơ đối với anh vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, như một động lực dâng hiến và hướng thiện: Ước làm một hạt phù sa / Ước làm một tiếng chim ca xanh trời / Ước làm tia nắng vàng tươi / Ước làm một giọt mưa rơi ấm chồi (Xin làm hạt phù sa). Nhưng không chỉ có thế. Thơ Lê Cảnh Nhạc gần đây thiên về hướng suy tưởng. Đó là con đường đi từ mơ ước khát khao đến chân trời giông bão, để từ đó đến được sự bình yên thật sự của cõi lòng và minh triết của nhận thức”.

* Nhà thơ, nhà phê bình văn học Chu Thị Thơm - Khúc giao mùa lặng lẽ - Tạp chí Nhà văn, số 5 - 2005“…Lê Cảnh Nhạc viết văn xuôi nhiều hơn là thơ. Nhưng bạn đọc lại nhớ đến anh qua những vần thơ trữ tình với những cung bậc cảm xúc sâu lắng, thiết tha nhiều hơn. Đây là một hạnh phúc không dễ dàng có được đối với số đông người cầm bút. Đọc thơ Lê Cảnh Nhạc, ta nhận ra có một thế giới của tâm trạng và những nỗi niềm xưa cũ bất chợt ùa về. Và phút giao mùa trong thơ anh lại là sự khởi đầu của những cảm thức thiết tha, sâu lắng trong tâm trạng. Thơ Lê Cảnh Nhạc còn là tiếng nói sẻ chia, đồng vọng với những số phận, cuộc đời và những vùng đất anh đã đi qua.... Ở đâu có niềm thương và nỗi nhớ thì ở đó con thuyền tình yêu sẽ cập bến Tình. Điều mà tác giả ước ao không phải không trở thành sự thật. Và nó chỉ trở thành sự thật khi trong mỗi cuộc đời có một tình yêu lớn lao đủ sức nâng đỡ và đưa con người đến sự cao cả với cái đẹp vĩnh cửu.... Những giọt phù sa của yêu thương, của khát khao đó ùa vào những trang thơ Lê Cảnh Nhạc. Điều đó lý giải tại sao, thi sĩ không cần chú trọng đến câu chữ với sự cách tân cầu kỳ, nhưng sự mộc mạc, giản dị ấy đó thuyết phục người đọc ở cái tình đối với những điều mình thể hiện…”

*
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong - Lê Cảnh Nhạc và Khúc giao mùa hồn hậu - Văn nghệ số 11, ngày 23/5/ 2005“… Lê Cảnh Nhạc viết về quê hương, về cha mẹ cùng những con người thân thuộc, về tình yêu với nhân vật “em”- người yêu hay người vợ, đều thấy sự chân tình, bằng các chi tiết rất thật trong kinh nghiệm sống và sự trải nghiệm làm điểm khởi đầu cho cảm xúc của mình. Vì thế mà tập thơ toát lên được vẻ hồn hậu chân thành của Lê Cảnh Nhạc được chính đối tượng mà anh hướng tới đón nhận trước tiên. Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc trước hết không xa lạ với những người thân của anh- những độc giả đặc biệt đầu tiên, trước khi nó bắt đầu con đường đi ra với mọi người để chinh phục và trở nên quen thuộc với bạn đọc nói chung...Những câu thơ của Lê Cảnh Nhạc, nhất là những dòng anh viết về quê hương, về những con người thân thuộc và máu thịt của mình ở nông thôn, luôn có những tín hiệu gần gũi, dễ cho ta những cảm nhận như những người bạn cũ của ta nơi thôn ổ, mỗi lần có dịp được gặp lại họ, ta thấy như tự tin vào mình hơn, xao xuyến hơn trước vẻ đẹp ngàn xưa của nơi chốn đã sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn ta từ ngày nào và bây giờ lại vẫn đang tiếp tục là nơi tựa đỡ cho tâm thế ta để trở nên mạnh mẽ, vững chãi hơn trước cuộc đời này...”

*
TS. Lã Thị Bắc Lý - Đến với “Lâu đài” của tuổi thơ – Tạp chí Tác phẩm mới, số 10 -1999
“…Sự giản dị và cái tâm của người viết tạo nên những tầng bậc, ý nghĩa hết sức chặt chẽ, và đó chính là sự hấp dẫn trong cách viết của Lê Cảnh Nhạc. Cho dù anh viết về những sự thật đen tối của xã hội, những “mảnh vỡ” đau lòng thì người đọc vẫn thấy sáng lên ở đó một cái nhìn nhân văn, một niềm tin vào sự chuyển biến của cuộc sống, vào sự thắng lợi của trái tim người trên cái ác. Đọc Lê Cảnh Nhạc tôi chợt nhớ tới một câu chuyện của Hugô: “Hỡi con trẻ! Em là bình minh và hồn tôi là cánh đồng”. Con trẻ sẽ hạnh phúc biết bao nếu người lớn trải tâm hồn ra yêu thương, chăm chút và bảo vệ ánh bình minh của chúng...”

*
Nhà văn, nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình - Người viết về thế giới trẻ thơ - Văn Nghệ trẻ
“…Có thể ghi nhận sự am tường thế giới trẻ thơ và tấm lòng yêu trẻ của Lê Cảnh Nhạc. Đọc Lâu đài, tôi có cảm giác rằng tác giả của quyển sách với tâm hồn yêu trẻ và sự hiểu biết về các em như một lữ hành đang đi trên hành trình định sẵn và đi xa của mình, vừa đi vừa tiếp tục khám phá, khám phá thế giới trẻ thơ, khám phá nghệ thuật…”

*
Nhà văn Nguyễn Quỳnh - Một tấm lòng với trẻ thơ - Tạp chí Sông Lam
“…Đọc Lê Cảnh Nhạc, người đọc rất tâm đắc điều này: Nhà văn đến với cuộc sống thực, những cảnh đời không mấy ngọt ngào, trước hết bằng tấm lòng, bằng trái tim, bằng sự chân thật, sau đó mới nẩy nở cảm xúc văn học, cảm hứng nghệ thuật. Truyện ngắn của Lê Cảnh Nhạc có sức thuyết phục về tính chân thực, về cái tâm của nhà văn. Nhân vật trong truyện của anh cho dù là một bà già, một thiếu phụ, một thầy giáo, một ông già, một con Đốm, một con mèo, một gốc đa, một đại bàng núi...vẫn có những gắn bó với cuộc sống thật, với tác giả. Nhiều truyện của Lê Cảnh Nhạc ở cốt truyện, ở lời văn, ở những tưởng tượng nghe phảng phất có âm hưởng của truyện dân gian...”

*
Nhà thơ Trần Ninh Hồ - Người học trò thứ 31- Báo Văn Nghệ số 38 ra ngày 19/9/1992
“… Trước khi đặt bút viết ít dòng về cuốn sách này, tôi đã đọc đến lần thứ tư mà dường như vẫn muốn lật giở ít trang đọc lại. Không phải vì những truyện trong tập sách này đã được trao giải thưởng trong cuộc thi Sáng tác văn học cho thiếu nhi 1990-1991. Giải thưởng là một bằng chứng về giá trị; nhưng không phải cuốn nào cũng khiến ta tự thấy cần tìm để đọc lại, nếu như nó không vượt qua được những đòi hỏi cần thiết, không ít những yếu tố nhất thời của mọi cuộc thi. Tôi đọc lại là bởi nhận thấy cần phải...đọc lại! Như là nhiều khi ta về thăm quê, tìm đến một người bạn để mà chẳng có một việc gì cần thiết cả! Ta tìm về một sự nhớ thương...Thật là kì thú khi được đọc những trang sách được kể bằng những rung động của trái tim. Tôi hy vọng các bạn sẽ tìm được những tình cảm thật cao quý, nhiều khi rất dễ bị khuất lấp, đã làm nên cái gọi là cuộc sống con người...”

*
Nhà thơ Trần Ninh Hồ - Văn nghệ số 1 ra ngày 4/4/1992
“Chỉ cần ba truyện này thôi, đây là một tài năng mới của văn học thiếu nhi...” Đọc nhận xét trong hồ sơ của Ban sơ khảo báo Văn nghệ về tác giả Lê Cảnh Nhạc, chắc hẳn sẽ không ít người ngạc nhiên bởi lâu quá rồi thường chỉ chê, khen sao đủ chừng mực. Tôi cho rằng sự đánh giá ấy sẽ là không quá đáng chút nào nếu ai từng đọc những trang viết đầy cảm hứng xúc động và tài hoa của những truyện ngắn “Lời ru không bán”, “Lâu đài”, “Số phận của Tuyền khôn”, “Mẹ lại biết nói”. Kết cấu chặt chẽ mà tự nhiên. Đọc từng dòng đều thấy sự kĩ càng trong sự lựa chọn chi tiết, giọng điệu dẫn dắt và đặc biệt là sự xúc động chân thành của người viết. Truyện nào cũng có cảm giác anh viết liền một mạch bằng xong rồi mới nghỉ. Nghỉ rồi mà dường như người viết vẫn chưa thể dứt với câu chuyện mà chính mình vừa kể với các em bé. Anh viết với thật nhiều yêu thương...”

* Văn và người,
Nhà thơ Vân Long - Chương trình Văn Nghệ - Đài Tiếng nói Việt Nam
“… Lê Cảnh Nhạc chiếm được tình cảm bạn đọc nhỏ tuổi bởi những tình tiết sống động, độc đáo. Nhưng trên tất cả bởi tấm lòng đôn hậu, yêu quý các em đã lấp lánh trên từng câu, từng chữ, giúp anh nói có hiệu quả những điều anh muốn nói với các em…”

*
Nhà báo Hồ Sông Hương - Những trang văn gắn bó với tuổi thơ - Văn Nghệ Trẻ số 37, ngày 14/9/2003
“...Cái nhìn của nhà báo, nhà văn Lê Cảnh Nhạc như hoà vào cái nhìn, cái nhận xét của người cần lao khiến cho mỗi câu chuyện vui vừa bình dị, vừa sâu sắc. Người đọc dễ thông cảm đồng tình với vấn đề tác giả đặt ra và cách giải quyết vấn đề phần lớn có hậu như những câu chuyện thủ thỉ mẹ kể con nghe hay ông bà kể cho con cháu nghe vậy...”

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2009

Dẫu lìa ngó ý


Quả tình rụng gốc cây non
Nhựa tình còn ứa xát mòn lòng nhau
Em ơi đế đã cạn dầu
Đừng khơi bấc nữa héo đau hoa đèn
Duyên tình chẳng tiếp dầu thêm
Để hiu hắt lửa khói hoen úa lòng
Tơ tình rối tựa bòng bong
Nối rồi lại đứt nào mong gấm bền
Chịu điều bạc bẽo đớn hèn
Còn hơn đày ải tình duyên suốt đời
Xưa say sưa đã trao lời
Nay say sưa héo ai nuôi câu thề
Phím vừa dạo khúc chỉn chê
Lạc tay đàn gảy dứt lìa tơ dây
Nghẹn ngào đoạn nhịp riêng tây
Đôi ta ngả nọ lối này phân ly.

Lê Cảnh Nhạc

Trách


Dẫu là mới biết chưa quen
Vẫn vơ nhen nhóm một miền mộng mơ
Biển xô sóng dậy bao giờ
Cho thuyền anh cứ chao đưa bao ngày
Trách ai buông gió rung cây
Trách hương thảng thốt đắm say lòng người
Trách em có ở trên đời
Trách mình biết sớm rõ người chưa quen
Trách duyên dáng trách dịu hiền
Xui anh đắm đuối nhóm miền mộng mơ
Trách thời gian cứ vu vơ
Đưa thoi thả kén xe tơ vô tình.


Lê Cảnh Nhạc

Đợi

Buông neo cồn cào gió lộng
Cánh buồm thao thức biển khơi
Mặn mòi sóng vỗ khôn nguôi
Ào ạt mạn thuyền đẫm ướt
Triều dâng sóng trào bến nước
Cuốn thuyền vào biển mênh mang.

Lê Cảnh Nhạc

Tâm tưởng

Đâu rồi bím tóc đuôi sam
Đâu rồi ánh mắt biết làm đắm say
Lênh đênh dòng chảy tháng ngày
Hồn neo bím tóc lắt lay giữa dòng.

Lê Cảnh Nhạc

Mối chỉ

Áo em nửa trắng nửa đen
Để anh thảng thốt nửa quen nửa buồn
Trắng em trinh trắng mãi còn
Đen chùng nghẽn lối mười phương anh tìm
Giá như em chẳng dịu hiền
Chẳng xinh chẳng đẹp đỡ phiền lòng anh
Áo kia dù đã may thành
Vẫn còn mối chỉ để dành đường thêu.

Lê Cảnh Nhạc

Bất chợt

Bóng chiều quất tím hồn anh
Tóc mây trước gió chăng thành lưới tơ
Quay đầu cười nói bâng quơ
Mắt bồ câu chuốc rượu chờ anh say.

Lê Cảnh Nhạc

Vô đề

Đất sao cuồng dại thế
Làm tím cả bờ mi
Anh đau khi em ngã
Vô tâm đất biết gì.

Lê Cảnh Nhạc

Biết rằng em

Biết rằng ngày chẳng là đêm
Biết rằng mối chỉ se duyên thuở nào
Biết rằng kia vẫn trăng sao
Biết rằng đáy biển cồn cào sóng xô
Biết rằng thuyền đã ghé bờ
Biết rằng con nước cứ ùa đắm say
Biết rằng hoa đã thắm cây
Biết rằng nắng mãi ngất ngây nồng nàn...

Lê Cảnh Nhạc

Sóng và đảo

Sóng-vòng tay biển cả
Ôm mối tình đảo xanh
Đảo đắm mình ngợp thở
Sóng cồn càovây quanh
Sóng khát khao quằn quại
Mặn nồng từ thẳm sâu
Đảo tắm trào bọt đá
Sóng xiết ghì đảo yêu
Đảo một ngày ngập sóng
Vỡ òa nước triều dâng
Ngụp chìm trong biển lớn
Lặng tan vào mênh mông.

Lê Cảnh Nhạc

Quả táo đầu mùa

Mẹ đặt tên con từ mùa táo chín
Quả táo đầu cành ngọt lịm lòng cha
Mẹ đặt tên con khi mùa xuân đơm hoa
Hoa xuân ngát hương trong niềm thương nhớ

Ôi giọt máu tình yêu tháng ngày trăn trở
Mẹ nghe giữa lòng mình con đang lớn từng giây
Phút chào đời, tiếng khóc ngập niềm vui
Hạnh phúc nở hoa tình yêu của mẹ

Cười đi con trong ẵm à bồng bế
Cho mẹ vui giữa phút đón cha về
Cười đi con, tiếng chim rót mê ly
Tiếng hót líu lo say mùa táo chín...

Trên đôi tay cha trên đôi cành nắng
Trái thơm lành trĩu mọng dâng hương
Giọt chín của đời, giọt chín mùa xuân
Đợi cha về, vui lòng tay đầy mật...

Từ men của trời, từ hồn của đất
Trái thơm con chưng cất một đời cây.

Lê Cảnh Nhạc

Sân khấu cuộc đời

Trong đáy hồn anh
Luôn hiện hữu thiên thần và quỷ sứ
Thiên thần nhói đau khi mỗi lá vàng rơi
Quỷ sứ làm đau nỗi đau con người

Thiên thần dâng tặng em cho anh
Quỷ sứ chực làm trái tim em vỡ nát
Thiên thần gieo mầm tình yêu, hạnh phúc
Quỷ sứ dẫn anh đi bẻ trái cấm địa đàng

Nước mắt dài hơn ngày, nỗi đau sâu hơn đêm
Mỗi khi thiên thần trong anh gục ngã
Dẫu một phút giây thôi, một phút giây lầm lỡ
Anh tuột buông rơi vỡ cả ánh trời

Ai buồn, ai vui, ai khóc, ai cười
Và ai nữa quất roi khi gặp anh ngã ngựa
Ai thầm lặng chìa tay dìu anh vào điểm tựa
Tất cả bước ra sân khấu cuộc đời.

Lê Cảnh Nhạc

Thao thức xuân

Xuân mơ màng thao thức nửa chừng đêm
Trời lạnh giá hút em vào sâu thẳm
Anh muốn xé cả màn đêm tĩnh lặng
Để gặp em, dẫu một ánh mắt cười

Em giấu mình trong bí ẩn xa xôi
Vừa rất thực, lại như là ảo ảnh
Ùa đến nồng say, hững hờ lẩn tránh
Để mình anh thảng thốt tê lòng

Phút giao mùa hiện hữu, hư không
Nửa đông giấu chồi, nửa xuân chớm lộc
Mây cứ ngang trời để cầu vồng bảy sắc
Gió ngang cây lay nắng cuối vòm xanh.

Lê Cảnh Nhạc

Em ơi, sao lại gầy?

Em ơi, sao lại gầy
Cho anh buồn lúc ngắm

Em như là giọt nắng
Rót bóng ngày say mê
Như nỗi nhớ se lòng
Mỏi mòn nhen hy vọng

Em gầy như năm tháng
Đan dài vào yêu thương
Mi mô za chiều đông
Ngậm chồi trong giá buốt

Tình yêu ùa mãnh liệt
Anh thương em mãi gầy
Thao thức bao đêm rồi
Cái gầy xua giấc ngủ

Nỗi lo dồn trăn trở
Đong đêm dài đầy vơi
Bởi gần mà xa xôi
Ngày mai luôn trước mặt.

Lê Cảnh Nhạc

Ngọc trai

Từ bao giờ hạt cát cứa lòng trai
Nơi vết thương kết dần thành ngọc quý
Biển cả mênh mông thét gào ầm ĩ
Trai giấu ngọc vào lòng dưới đáy nước bao la

Ngày bên anh, trai ngọc từ biển xa
Chợt xé lòng mình thành hai nửa
Vết thương trai suốt một đời chất chứa
Vụt sáng loà trong vỏ đá đơn sơ

Lê Cảnh Nhạc

Vẫn là em...

Vẫn là em, điên đảo hờn ghen
Nồng như ớt, mặn như là muối bể
Cuống quýt vào ra chua chanh chát khế
Quay quắt thương, quay quắt nhớ xa chồng

Vẫn là em, cứ thắc thỏm rối lòng
Dù chỉ bếp cơm chiều chưa nổi lửa
Đón con tan trường, ngóng chồng gọi cửa
Bát canh riêu bữa tối ngậy thơm nhà

Vẫn là em, chẳng toan tính bao giờ
Bên này chồng con, bên này nội ngoại
Bè bạn buồn vui, việc tang, việc cưới
Xắn tay lo như chuyện nhà mình

Gừng cứ cay để anh mãi là anh
Đi đến cuối trời không nhạt tình muối mặn
Bến gia đình neo tơ lòng vương vấn
Bởi mãi còn nồng ớt với chua chanh

Vẫn là em...
Lửa ngún của đời anh!

                Hà Nội, 20-10-2003
                   Lê Cảnh Nhạc



Dậy nào, ban mai

Dậy đi con, chim hót báo thức rồi
Cha lay gọi mà cứ thương cái ngủ
Một ngày mới đón con ngoài khung cửa
Đừng trễ nào, ngày mới sẽ đi qua

Lời ru hằng đêm thấm ngọt giấc mơ
Con mở tiếp mỗi khi mặt trời mọc
Cái ngủ ngoan nồng chưa nhớ được
Đường đến trường lời ru sẽ theo con

Mai sau, mai sau, khi con lớn khôn
Ngày mới cùng lời ru lại chờ con trước cửa
Nếu mẹ cha không còn bên con nữa
Con chớ đánh rơi tiếng chim gọi mặt trời

Dậy đi nào, cái ngủ ngoan ơi
Ban mai của cha, ban mai của mẹ
Cặp sách mới, tới trường nhiều lối rẽ
Đừng chậm giờ, đừng vấp ngã nghe con ...

              Lê Cảnh Nhạc

Hãy là nơi anh đến

Em có là cầu tầu
Đón thuyền anh cập bến?
Em có là đảo xa
Chờ thuyền anh vượt biển?
Nơi anh vừa đi qua
Là nơi chưa từng đến
Tình yêu như trái chín
Chắt mật từ thời gian
Từ bao giờ mắt em
Dồn anh vào thương nhớ
Lời thăm chừng vô cớ
Vây kín mảnh trời riêng
Từ bao giờ con tim
Ấm niềm khao khát quá
Em có là cầu tầu?
Em có là đảo nhỏ?

Lê Cảnh Nhạc

Trăn trở

Anh đi tìm em trên bờ sông Vôn-ga
Đêm lộng gió, sóng duềnh mình trăn trở
Rộn bến tầu neo, điện nhoà xanh đỏ
Vũ hội xập xình, em lẫn trốn nơi đâu?

Thành phố lung linh nhấp nháy vạn sắc mầu
Đâu phải là quê hương, sao em ở lại?
Mùa này ở quê ta con lũ tràn bờ bãi
Mẹ còng lưng vá đê ngăn nước giữ mùa

Bát cơm thơm từ mảnh đất phèn chua
Nuôi ta lớn lên trong gian lao vất vả
Một nhà máy mới xây, một vỉa dầu đỏ lửa
Hoà nước mắt vui mơ ước của ông bà

Sao em nỡ riêng mình hưởng lạc phía trời xa(!)
( Biết nói gì đây hỡi con chim lánh tổ )
Hiểu lòng anh, dòng Vôn-ga nghẹn gió
Sóng ầm ào vỗ động cả trời khuya

Vongagrat, thu 1987
Lê Cảnh Nhạc

Màu tuyết trắng

Rừng đông gầy
Cành khô buốt vẫn nâng từng bông tuyết
Mơn man cành, tuyết sáng ngời tinh khiết
Vũ trụ giao hoà trinh tiết tuyết yêu ơi

Em quay tròn trong mưa tuyết rơi…rơi…
Thảnh thốt nhận ra dấu bàn chân trắng muốt
Sà vào tuyết, run rẩy cùng hoa tuyết
Hoa rợp trời, hoa giăng đất tinh khôi

Tâm hồn em như bông tuyết thơ ngây
Nhưng đứng trước tuyết trắng trong trinh bạch
Em ngượng ngùng ngỡ có lỗi tuyết ơi
Bởi tuyết là hoa hay tinh tuý lệ trời?

Không một lời giữa tê buốt mưa rơi
Em hiểu tuyết trắng ngời từ băng giá
Khi bàn chân đè lên
Tuyết không tan
Tuyết nén thành chai đá
Nhưng trên lòng tay hơi ấm tràn êm ả
Tuyết tan hoà trong chan chứa yêu thương

Nhớ rừng bạch dương xao xác buốt trời đông
Nhớ da diết nước Nga trắng ngời hoa tuyết
Những bàn chân ơi
những bàn chân
xin đừng in dấu vết
Đừng vấy nhàu vẻ đẹp tuyết ban mai

Phương trời nào còn đẫm ướt mưa rơi
Hẳn bông tuyết đang tan trên chồi xuân chớm thắp
Mưa tuyết - mưa hoa, đón mưa trong giá buốt
Vẫn đợi chờ, vẫn mong ước mê say.

Bão giông tình biển

Bão giông tình của biển
Ngập dâng hôn bãi bờ
Nhưng phải chăng
Biển đang hôn lên dải đất hững hờ
Lục địa trần ai giấu bao điều bí ẩn…

Cuồng nhiệt, say mê, tình anh biển động
Mãi dâng đầy ngọn sóng trắng thời gian
Anh không biết vỗ về bờ cát mênh mang
Nhận chút tình mong manh nơi rìa đất

Xin em đừng là bờ, em đừng là bãi cát
In trăm dấu chân người, biển khoả lấp si mê
Để bãi cát trăm lần vẫn trinh bạch soi ánh sáng pha lê
Khiến đại dương ngàn đời cồn cào quanh gót trần lục địa

Em hãy là muối tan trong trăm ngàn sóng bể
Hãy là anh, quyện lẫn, chẳng chia lìa
Trong đắm đuối điên cuồng, trong êm ái đê mê
Biển là anh, là em, thét gào và thủ thỉ…

                        Lê Cảnh Nhạc

Huyền thoại Hồng Lam

Hà Tĩnh ơi, nhút mặn từ bao giờ
Cho con xa quê say đậm đầu vị lưỡi
Áo tơi chắn gió Lào, nước Ngàn Sâu tắm gội
Để trắng trong da thịt của thị thành

Nhấm giọt cà phê nhớ vị chát chè xanh
Trưa râm ran gọi mời rung ngõ xóm
Nghe điệu lý nhớ câu hò Nhượng Bạn
Biển Thiên Cầm huyền cảm vọng đàn trời

Trời- biển- núi- sông vấn vít ngàn đời
Từ Cửa Hội đến Đèo Ngang, ra Hòn Ngư, Hòn Én
Những huyền thoại linh thiêng
Tụ khí chất Hồng Lam suốt bao đời hiển hiện
Lạc Long Quân xuất thánh tại đất này

Địa linh sinh nhân kiệt
Ông Đùng xếp núi Hồng
Dương Vương lập kinh đô mở nước
Vân Chàng, Minh Lang theo ông Đùng đào quặng sắt
Rèn giáo mác, lưỡi cày, trồng cây và đánh giặc
Chín mươi chín ngọn núi Hồng
Ngoảnh mặt ra Biển Đông
Trấn giữ phong ba

Hồ Thiên Tượng, Bàu Tiên,
Vực Thuồng Luồng không đáy
Là nơi các thần linh tụ hội
Sắp đặt thế cờ
Bàn tính chuyện dương gian
Trong xanh lưng chừng núi
Trong xanh soi đại ngàn
Tụ khí đất trời
Toả mạch thiêng nuôi chí người Hà Tĩnh

Đứng lên trong gió Lào, cát trắng
Giữa chảo lửa, túi mưa
Thông Ngàn Hống đón mây trắng Hoành Sơn
Hồn đất núi Hồng
Hồn nước Lam Giang
Vi vút lá kim mà kiên trung khí phách

Nơi thác Vũ Môn, cá chép hoá rồng
Ngàn Phố, Ngàn Sâu từ ruột núi Giăng Màn
Giao hoà Tam Soa
Để sinh thành những người con trung nghĩa
Thơ đẫm trăng Tiên Điền
Chí đúc thép Cần Vương

Mai Phụ, Vụ Quang, Đèo Ngang, Đồng Lộc
Những trang sử hào hùng gắn tên làng, tên đất
Hắc Đế xuất thời
Cao Thắng rèn súng kíp
Đỉnh Núi Mòi chị Tám đếm bom rơi

Máu nghĩa binh thắm mãi nước Ngàn Trươi
Rực cháy đuốc cụ Phan dục đời nuôi chí lớn
Trống xô viết dồn vang
La Giang ngày dậy sóng
Trần Phú xuất dương,Tùng Ảnh hội nguồn

Lớp lớp cháu con đất huyền thoại Lam Hồng
Cứ vụt lớn lên từ sắn khoai, cổ tích
Người ra đi quyên sinh vì vận nước
Người ở lại quai đê ngăn lũ, gieo mùa

Kẻ Gỗ dâng hồ tắm ngọt đất phèn chua
Vũng Áng còi tàu hú vang cập cảng
Mở đường ra biển Đông, bắc cầu sang nước bạn
Nâng cánh Lam Hồng, mây trắng hiển linh bay.

Lê Cảnh Nhạc