Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Về bài thơ “Dòng sông nguồn cội” của Lê Cảnh Nhạc

Theo Thế Lữ - Báo Thanh tra số Xuân Kỷ Sửu


Thời mở cửa, lượng doanh nhân thành đạt ngày càng nhiều. Hơn 20 năm qua, đã có hàng nghìn bài viết về họ. Các tập sách cũng ngày một nhiều hơn. Nhưng đó chủ yếu là những bài ghi chép, phóng sự… còn thơ viết về doanh nhân thì thật hiếm. “Dòng sông nguồn cội” là một trong số rất ít bài thơ như vậy.

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội viết bài thơ này trong chuyến đi công tác tại Kharcov (Ucraina) vào tháng 8/2008. Bài thơ viết về doanh nhân trẻ Phạm Nhật Vượng. Thể thơ tự do, ngắn gọn, hàm súc như một bản lý lịch trích ngang của doanh nhân. Hiện tại, Phạm Nhật Vượng là Chủ tịch Tập đoàn Technocom, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại Ucraina. Anh cũng là người phát tâm kiến lập chùa Trúc Lâm Kharcov - ngôi chùa Việt đầu tiên ở Ucraina. (Báo Thanh tra Tết Mậu Tý đã có bài giới thiệu).

Tôi có may mắn là biết Lê Cảnh Nhạc và Phạm Nhật Vượng. Cách đây hơn 20 năm, cả 3 chúng tôi đều được học tập ở Liên Xô cũ. Vào thời điểm Liên Xô tan rã, bao nhiêu khó khăn đến với họ, cuộc sống của chúng tôi cũng chịu những tác động không nhỏ, vừa học tập vừa phải kiếm kế mưu sinh. Tôi với Phạm Nhật Vượng là đồng hương Can Lộc, Hà Tĩnh. Tôi với Lê Cảnh Nhạc đã một thời học chung cùng lớp 3 năm liền ở quê nhà. Chính những điều này giúp tôi cảm nhận được sâu sắc, đầy đủ về tác giả và nhân vật của bài thơ.

Quê hương của Phạm Nhật Vượng là vùng “địa linh nhân kiệt”. Truyền thuyết kể lại rằng: Từ thủa hồng hoang, ông Đùng đã sắp đặt lại 99 ngọn núi cao của dãy núi Hồng Lĩnh. Ông Đùng dạy dân đào quặng sắt, đúc lưỡi cày, lưỡi mác trồng cây, đánh giặc, đắp đập, quai đê… Một vùng quê có truyền thống chế ngự thiên nhiên và đánh giặc. Vùng quê ấy đẹp bởi có dãy Hồng Lĩnh điệp trùng 4 mùa thông reo, soi mình trên bóng nước La Giang. Vùng quê ấy sản sinh ra nhiều doanh nhân, khoa bảng, nhiều con gái xinh đẹp, nết na được chọn làm cung phi cho không ít đời vua: “Kiệt Thạch tam khoa tam tiến sĩ/Hằng Nga cửu thế cửu cung phi”. Từ xưa, con gái Can Lộc giỏi trồng dâu, dệt vải, giỏi đối đáp. Minh chứng điều này được thể hiện trong 10 năm lui về ở ẩn quê nhà (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nhưng hàng đêm Nguyễn Du vẫn vượt Kẻ Treo (Ngàn Hống) để sang đất Can Lộc hát phường vải giao duyên. “Trường Lưu nhị nữ”, “Hát phường vải”… là những sáng tác của Nguyễn Du về mảnh đất Can Lộc này.

Can Lộc xưa là vậy. Can Lộc nay sống trọn trong trái tim của hàng triệu người với Ngã ba Đồng Lộc, với 10 cô gái hiếu thảo với gia đình, trung trinh với bè bạn, ngẩng cao đầu trước hàng vạn bom rơi, mở đường cho xe ra trận. Miền đất ấy, cội nguồn ấy đã cho Vượng một trí tuệ, một nghị lực vươn lên khẳng định mình ở xứ người. Bây giờ anh có “vương quốc riêng” xanh trời Can Lộc trong lòng TP Kharcov, có Sun City Plaza, Barabasova, có Trường Việt Nam, có Trúc Lâm tự - một quần thể kiến trúc chùa Việt Nam mang màu sắc Phật giáo vốn xa lạ với người châu Âu, nhưng góp phần làm phong phú thêm nét văn hoá đa sắc tộc trên mảnh đất này. Thương hiệu mì Việt Nam Mivina được sản xuất ở Kharcov, tạo công ăn việc làm cho hơn 3.000 người.

Trong nhiều thứ rượu ngon đưa ra mời khách quý từ Việt Nam sang, có cả thứ rượu “hồn quê quốc lủi” đựng trong chai nút bằng lá chuối khô, đó là thứ rượu truyền thống ở làng Kẻ Trang, Khánh Lộc, là hương vị quê nhà không cao siêu nhưng thắm tình, nặng nghĩa. Con người nặng lòng với quê là vậy. Ở Việt Nam, anh đã từng xây Vincom, Vinpearl Land. Có về quê Vượng mới biết được rằng, Can Lộc đẹp nhưng vẫn còn nghèo và nghiệt ngã. Đúng như anh Nhạc nói: “Mùa hè, gió Lào thổi quăn cả trang sách. Củ sắn còn gầy, hạt thóc còn lép. Người quê còn quá tảo tần, nhưng vùng đất đó chắt chiu cho sự học”.

Hình ảnh con sông Nghèn chảy suốt dọc bài thơ của Lê Cảnh Nhạc có điều gì đó khắc khoải. Con sông Nghèn chảy qua Cầu Trù, xuôi bến đò Hạ Vàng rồi ra biển. Con sông chảy qua một phần tuổi thơ của Vượng, nhưng chảy suốt dọc quãng đời thơ ấu và vị thành niên của ông Phạm Dương, bố đẻ anh. Vì hoàn cảnh riêng, từ nhịp cầu này, từ bến đò này, ông Phạm Dương đã nuốt nước mắt, tạm biệt quê nghèo ra đi kiếm sống. Ông Dương là người nặng lòng với quê, ông mất khi chưa giúp được gì nhiều cho quê. Nhưng hôm nay, con trai ông đã xây một trường dạy nghề, một nhà trẻ trị giá hơn 20 tỷ đồng tặng quê nhà. Ân nghĩa, tấm lòng ở đời là vậy.

Trong thơ Nhạc, hạt gạo quê nhà được lên men, chưng cất với nước sông Nghèn làm nên thứ rượu quê “sóng sánh cả trời Âu”. Đó là cách nói văn chương của Lê Cảnh Nhạc. Thực ra, đó là một quá trình chuyển hoá, sự chắt lọc, thăng hoa. Anh Phạm Nhật Vượng cùng cộng đồng người Việt đã thuyết phục người bản xứ bằng tài năng, sáng tạo, sức lao động quên mình và tinh thần tôn trọng pháp luật nước sở tại, đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước Ucraina. Có như thế, cộng đồng người Việt ở đây mới tồn tại như một bộ phận không thể thiếu được của quốc gia này.

Cuối bài thơ, hình ảnh “con sông Nghèn, sông La” một thời tắm mát tuổi thơ anh giờ đã hoà chảy cùng với những dòng sông nơi xa xứ: Lopan, Uda, Kharcov. Đây là một kết cục có hậu. Một vài lời dẫn chuyện để bạn đọc cảm nhận bài thơ này.


Dòng sông nguồn cội
Tặng anh Phạm Nhật Vượng
Chủ tịch Tập đoàn Technocom - Ukraina

Nước sông Nghèn lên men
Rượu nồng môi nghiêng trời nghiêng đất
Chai rượu Kẻ Trang lá chuối khô mẹ nút
Con mang theo sóng sánh cả trời Âu
Đường Thiên Trù ngàn bậc non cao
Đỉnh Ngàn Hống con về dìu mẹ bước
Kharkov hôm nay xanh trời Can Lộc
Xanh Vinpearl Land, xanh Hồng Lĩnh đại ngàn
Nơi mẹ sinh con
Lửa làng rèn Vân Chàng, Minh Lang không bao giờ tắt
Ông Đùng xếp núi Hồng
Ông Đùng đào quặng sắt
Ông Đùng dạy dân làng đúc lưỡi cày, lưỡi mác
Trồng cây, đánh giặc, đắp đập, quai đê
Củ sắn gầy mẹ giấm bãi chiêm khê
Hạt lúa đất phèn quạt từ bông lép
Nuôi con lớn lên suốt một đời khó nhọc
Như giọt rượu Nghèn mẹ cất nước sông quê
Mẹ ơi!
Giờ chúng con xây
Những toà tháp Vincom
Sun City Plaza
Barabasova
Những ngôi trường
ở Việt Nam, ở Ucraina
và chùa thiêng Kharkov
Xây tầm cao dáng Việt
Trong linh thiêng dòng chảy cội nguồn
Líu lo trẻ thơ trường học Mùa Xuân
Xa đất nước vẫn hát lời mẹ hát
Trang sách hôm nay
Không quằn khô gió Lào nắng khét
Theo tuổi thơ con chân đất đến trường làng
Chúng con ngẩng cao đầu nghe hai tiếng Việt Nam
Trong kiêu hãnh mỗi khi bè bạn gọi
Mivina vượt qua nhiều biên giới
Thương hiệu Việt Nam, trí tuệ Việt Nam
Sông Nghèn sông La tắm mát tuổi thơ con
Đang hoà chảy cùng Lopan, Uda, Kharkov
Chén rượu thơm nồng từ sông Nghèn mẹ chắt
Con rót mời bè bạn khắp phương xa
Kharkov, ngày 5/8/2008
Lê Cảnh Nhạc

* Chú thích ảnh:
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng (bìa phải) và nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, tác giả “Dòng sông nguồn cội” tại một góc chùa Trúc lâm Kharcov.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét