Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

“Dậy nào, ban mai” - niềm yêu của một người cha

 Theo TS Lã Thị Bắc Lý - Báo Phụ nữ Thủ đô, số 50, ngày 19/12/2007

“Dậy nào, ban mai” là một trong những bài thơ viết cho con của Lê Cảnh Nhạc. Bài thơ gồm bốn khổ, là sự chắt lọc những nghĩ suy, tình cảm và sự âu yếm của người cha dành cho con; Những chăm chút cho con hôm nay và sự âu lo cho con mai sau.

Bốn câu thơ đầu là lời người cha nhắc gọi con mỗi buổi sớm mai. Lời thơ dịu dàng, tràn ngập một niềm yêu êm ái:
Dậy đi con, chim hót báo thức rồi
Cha lay gọi mà cứ thương cái ngủ
Một ngày mới đón con ngoài khung cửa
Đừng trễ nào, ngày mới sẽ đi qua.


Chao ôi, “cái ngủ” mới dễ thương làm sao. Có đứa trẻ nào mà sớm mai không thèm ngủ. Nhưng giờ học, giờ làm lại chẳng chịu chờ ai. Vậy nên “cái ngủ” đành bị đánh thức dậy. Có cái gì rưng rưng trong câu thơ này: “Cha lay gọi mà cứ thương cái ngủ”. Các em bé đã có rất nhiều bài thơ ru - những bài thơ thật hay ru cái ngủ (Khúc hát ru những em bé ngủ trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm, Con cò - Chế Lan Viên...), Lê Cảnh Nhạc khai thác từ phía ngược lại: đánh thức cái ngủ: “Dậy nào, ban mai”. Ban mai vừa là bình minh của một ngày mới, vừa mang nghĩa ẩn dụ, là bình minh của một cuộc đời. Con cái là ánh sáng, là niềm tin, là sự hy vọng của cha mẹ. ánh sáng thiêng liêng diệu kỳ đó toả sáng cuộc đời cha mẹ.

Ba khổ thơ sau cùng một mạch cảm xúc. Lời nhắc gọi con mỗi sớm mai được gắn với lời ru trong đêm. Đó là lời ru “thấm ngọt giấc mơ”. Bao yêu thương, bao hy vọng, bao niềm tin và nhắc nhở được gửi gắm trong những lời ru đó. Tiếng ru khép lại một ngày đưa em vào giấc ngủ, nhưng tất cả những gì được gửi gắm trong lời ru đó vẫn còn đọng tới ban mai, sẽ lại mở tiếp ra ngày mới. Thời gian là vòng tuần hoàn tiếp nối ngày - đêm, nhưng cuộc sống là sự vận động. Lời ru gắn nối đêm ngày, gắn nối hiện tại với tương lai. Những gì trong lời ru của mẹ cha con chưa kịp nghĩ hôm nay, sẽ nghĩ tiếp ngày mai, nghĩ cả cuộc đời. Trong hành trang vào đời của mỗi một con người, ai dám chắc là không có cả những lời ru, những bóng hình của “cái cò, cái vạc, cái nông...”

ở khổ thơ ba và bốn, tính triết lý đạt đến độ sâu sắc và tinh tế. Vẫn là sự thức gọi của người cha với em bé, nhưng nếu ở khổ một, em bé đó còn đang bé tí thì ở đây, người con đó đã lớn khôn. Người cha không còn đánh thức cái ngủ của con mà đang truyền cho con trách nhiệm:Mai sau, mai sau, khi con lớn khôn
Ngày mới cùng lời ru lại chờ con trước cửa
Nếu mẹ cha không còn bên con nữa
Con chớ đánh rơi tiếng chim gọi mặt trời.

Lá rụng về cội, đó là quy luật của muôn đời. Mẹ cha dù có thương con bao nhiêu cũng không thể đi mãi hết cuộc đời con. Con hãy nhớ lời cha mẹ, hãy gìn giữ lời ru, gìn giữ cuộc sống, nâng niu tiếng chim và bình minh để cho cuộc đời mãi mãi tươi xanh. Tiếng chim gọi mặt trời cũng như tiếng mẹ cha lay gọi con buổi sáng- Con là ban mai, là bình minh của cha mẹ. Lời thơ càng về cuối càng da diết, níu kéo, trăn trở những nghĩ suy. Từ ngữ không mới, nhưng mỗi lần nhắc lại càng khắc sâu thêm nỗi lòng người cha vời vợi âu lo:

Cặp sách mới, tới trường nhiều lối rẽ
Đừng chậm giờ, đừng vấp ngã nghe con.

Con đường mà con tới lớp cũng chính là con đường dẫn con vào cuộc sống. Con đường ấy có nhiều lối rẽ, nhiều bước ngoặt mà trong cuộc đời ai cũng phải trải qua. “Đừng chậm giờ...”, “Đừng vấp ngã...” vừa là lời dặn dò, vừa là sự mong mỏi của mẹ cha theo suốt cuộc đời con. Khi đã đi qua nhiều năm tháng, con người ta càng có ý thức lớn hơn về thời gian. Người cha ở đây cũng đã qua sự trải nghiệm, đã hiểu thời gian là tài sản vô giá của con người. Anh dặn con, ân cần và trách nhiệm: Đừng bao giờ bỏ phí thời gian. Đừng chậm trễ. Thời gian sẽ trôi qua, cuộc đời sẽ trôi qua, cái tài sản quý nhất của mình cũng sẽ trôi qua...

Cả bài thơ được viết với giọng thiết tha, nâng niu, trìu mến. Nâng niu trẻ thơ cũng là nâng niu cuộc đời. Anh viết cho con, nhưng cũng là viết cho mình, viết cho tất cả. Bởi lẽ những suy nghĩ của anh đã chạm tới lòng người và đó chính là giá trị nhân văn của bài thơ, cái để cho tác phẩm có thể sống bền lâu với bạn đọc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét