Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

GIAO CẢM - Những lời bình về thơ Lê Cảnh Nhạc

Đối với người cầm bút sáng tác, những lời phê bình, động viên, khích lệ không chỉ là sự ghi nhận những điều đã được tác giả viết lên, mà còn là động lực lớn lao để mỗi khi trầm tư suy ngẫm về cuộc đời, lại thấy có biết bao người đang đồng cảm và tri tâm với những gì ta viết. Để lại thấy, trước quá nhiều những trăn trở, ta không thể "một giây thôi" dừng viết. Xin được đăng tải lên đây những lời bình về thơ Lê Cảnh Nhạc, đã được đăng tải trên các báo và tạp chí, để cảm ơn sự giao cảm này.

* Thơ Lê Cảnh Nhạc - Nhân Dân cuối tuần, số 27, ngày 2/7/2006

“… Trước khi trở thành nhà văn, Lê Cảnh Nhạc đã từng làm một nhà giáo, một nhà báo gắn bó với trẻ em. Chính tình cảm gắn bó đó đã thôi thúc anh sáng tác, dẫn dắt anh hoà nhập vào đời sống văn học thiếu nhi. Tuổi thơ đối với anh vừa gần gũi, vừa thiêng liêng, như một động lực dâng hiến và hướng thiện: Ước làm một hạt phù sa / Ước làm một tiếng chim ca xanh trời / Ước làm tia nắng vàng tươi / Ước làm một giọt mưa rơi ấm chồi (Xin làm hạt phù sa). Nhưng không chỉ có thế. Thơ Lê Cảnh Nhạc gần đây thiên về hướng suy tưởng. Đó là con đường đi từ mơ ước khát khao đến chân trời giông bão, để từ đó đến được sự bình yên thật sự của cõi lòng và minh triết của nhận thức”.

* Nhà thơ, nhà phê bình văn học Chu Thị Thơm - Khúc giao mùa lặng lẽ - Tạp chí Nhà văn, số 5 - 2005“…Lê Cảnh Nhạc viết văn xuôi nhiều hơn là thơ. Nhưng bạn đọc lại nhớ đến anh qua những vần thơ trữ tình với những cung bậc cảm xúc sâu lắng, thiết tha nhiều hơn. Đây là một hạnh phúc không dễ dàng có được đối với số đông người cầm bút. Đọc thơ Lê Cảnh Nhạc, ta nhận ra có một thế giới của tâm trạng và những nỗi niềm xưa cũ bất chợt ùa về. Và phút giao mùa trong thơ anh lại là sự khởi đầu của những cảm thức thiết tha, sâu lắng trong tâm trạng. Thơ Lê Cảnh Nhạc còn là tiếng nói sẻ chia, đồng vọng với những số phận, cuộc đời và những vùng đất anh đã đi qua.... Ở đâu có niềm thương và nỗi nhớ thì ở đó con thuyền tình yêu sẽ cập bến Tình. Điều mà tác giả ước ao không phải không trở thành sự thật. Và nó chỉ trở thành sự thật khi trong mỗi cuộc đời có một tình yêu lớn lao đủ sức nâng đỡ và đưa con người đến sự cao cả với cái đẹp vĩnh cửu.... Những giọt phù sa của yêu thương, của khát khao đó ùa vào những trang thơ Lê Cảnh Nhạc. Điều đó lý giải tại sao, thi sĩ không cần chú trọng đến câu chữ với sự cách tân cầu kỳ, nhưng sự mộc mạc, giản dị ấy đó thuyết phục người đọc ở cái tình đối với những điều mình thể hiện…”

*
Nhà thơ Nguyễn Thành Phong - Lê Cảnh Nhạc và Khúc giao mùa hồn hậu - Văn nghệ số 11, ngày 23/5/ 2005“… Lê Cảnh Nhạc viết về quê hương, về cha mẹ cùng những con người thân thuộc, về tình yêu với nhân vật “em”- người yêu hay người vợ, đều thấy sự chân tình, bằng các chi tiết rất thật trong kinh nghiệm sống và sự trải nghiệm làm điểm khởi đầu cho cảm xúc của mình. Vì thế mà tập thơ toát lên được vẻ hồn hậu chân thành của Lê Cảnh Nhạc được chính đối tượng mà anh hướng tới đón nhận trước tiên. Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc trước hết không xa lạ với những người thân của anh- những độc giả đặc biệt đầu tiên, trước khi nó bắt đầu con đường đi ra với mọi người để chinh phục và trở nên quen thuộc với bạn đọc nói chung...Những câu thơ của Lê Cảnh Nhạc, nhất là những dòng anh viết về quê hương, về những con người thân thuộc và máu thịt của mình ở nông thôn, luôn có những tín hiệu gần gũi, dễ cho ta những cảm nhận như những người bạn cũ của ta nơi thôn ổ, mỗi lần có dịp được gặp lại họ, ta thấy như tự tin vào mình hơn, xao xuyến hơn trước vẻ đẹp ngàn xưa của nơi chốn đã sinh ra và nuôi dưỡng tâm hồn ta từ ngày nào và bây giờ lại vẫn đang tiếp tục là nơi tựa đỡ cho tâm thế ta để trở nên mạnh mẽ, vững chãi hơn trước cuộc đời này...”

*
TS. Lã Thị Bắc Lý - Đến với “Lâu đài” của tuổi thơ – Tạp chí Tác phẩm mới, số 10 -1999
“…Sự giản dị và cái tâm của người viết tạo nên những tầng bậc, ý nghĩa hết sức chặt chẽ, và đó chính là sự hấp dẫn trong cách viết của Lê Cảnh Nhạc. Cho dù anh viết về những sự thật đen tối của xã hội, những “mảnh vỡ” đau lòng thì người đọc vẫn thấy sáng lên ở đó một cái nhìn nhân văn, một niềm tin vào sự chuyển biến của cuộc sống, vào sự thắng lợi của trái tim người trên cái ác. Đọc Lê Cảnh Nhạc tôi chợt nhớ tới một câu chuyện của Hugô: “Hỡi con trẻ! Em là bình minh và hồn tôi là cánh đồng”. Con trẻ sẽ hạnh phúc biết bao nếu người lớn trải tâm hồn ra yêu thương, chăm chút và bảo vệ ánh bình minh của chúng...”

*
Nhà văn, nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình - Người viết về thế giới trẻ thơ - Văn Nghệ trẻ
“…Có thể ghi nhận sự am tường thế giới trẻ thơ và tấm lòng yêu trẻ của Lê Cảnh Nhạc. Đọc Lâu đài, tôi có cảm giác rằng tác giả của quyển sách với tâm hồn yêu trẻ và sự hiểu biết về các em như một lữ hành đang đi trên hành trình định sẵn và đi xa của mình, vừa đi vừa tiếp tục khám phá, khám phá thế giới trẻ thơ, khám phá nghệ thuật…”

*
Nhà văn Nguyễn Quỳnh - Một tấm lòng với trẻ thơ - Tạp chí Sông Lam
“…Đọc Lê Cảnh Nhạc, người đọc rất tâm đắc điều này: Nhà văn đến với cuộc sống thực, những cảnh đời không mấy ngọt ngào, trước hết bằng tấm lòng, bằng trái tim, bằng sự chân thật, sau đó mới nẩy nở cảm xúc văn học, cảm hứng nghệ thuật. Truyện ngắn của Lê Cảnh Nhạc có sức thuyết phục về tính chân thực, về cái tâm của nhà văn. Nhân vật trong truyện của anh cho dù là một bà già, một thiếu phụ, một thầy giáo, một ông già, một con Đốm, một con mèo, một gốc đa, một đại bàng núi...vẫn có những gắn bó với cuộc sống thật, với tác giả. Nhiều truyện của Lê Cảnh Nhạc ở cốt truyện, ở lời văn, ở những tưởng tượng nghe phảng phất có âm hưởng của truyện dân gian...”

*
Nhà thơ Trần Ninh Hồ - Người học trò thứ 31- Báo Văn Nghệ số 38 ra ngày 19/9/1992
“… Trước khi đặt bút viết ít dòng về cuốn sách này, tôi đã đọc đến lần thứ tư mà dường như vẫn muốn lật giở ít trang đọc lại. Không phải vì những truyện trong tập sách này đã được trao giải thưởng trong cuộc thi Sáng tác văn học cho thiếu nhi 1990-1991. Giải thưởng là một bằng chứng về giá trị; nhưng không phải cuốn nào cũng khiến ta tự thấy cần tìm để đọc lại, nếu như nó không vượt qua được những đòi hỏi cần thiết, không ít những yếu tố nhất thời của mọi cuộc thi. Tôi đọc lại là bởi nhận thấy cần phải...đọc lại! Như là nhiều khi ta về thăm quê, tìm đến một người bạn để mà chẳng có một việc gì cần thiết cả! Ta tìm về một sự nhớ thương...Thật là kì thú khi được đọc những trang sách được kể bằng những rung động của trái tim. Tôi hy vọng các bạn sẽ tìm được những tình cảm thật cao quý, nhiều khi rất dễ bị khuất lấp, đã làm nên cái gọi là cuộc sống con người...”

*
Nhà thơ Trần Ninh Hồ - Văn nghệ số 1 ra ngày 4/4/1992
“Chỉ cần ba truyện này thôi, đây là một tài năng mới của văn học thiếu nhi...” Đọc nhận xét trong hồ sơ của Ban sơ khảo báo Văn nghệ về tác giả Lê Cảnh Nhạc, chắc hẳn sẽ không ít người ngạc nhiên bởi lâu quá rồi thường chỉ chê, khen sao đủ chừng mực. Tôi cho rằng sự đánh giá ấy sẽ là không quá đáng chút nào nếu ai từng đọc những trang viết đầy cảm hứng xúc động và tài hoa của những truyện ngắn “Lời ru không bán”, “Lâu đài”, “Số phận của Tuyền khôn”, “Mẹ lại biết nói”. Kết cấu chặt chẽ mà tự nhiên. Đọc từng dòng đều thấy sự kĩ càng trong sự lựa chọn chi tiết, giọng điệu dẫn dắt và đặc biệt là sự xúc động chân thành của người viết. Truyện nào cũng có cảm giác anh viết liền một mạch bằng xong rồi mới nghỉ. Nghỉ rồi mà dường như người viết vẫn chưa thể dứt với câu chuyện mà chính mình vừa kể với các em bé. Anh viết với thật nhiều yêu thương...”

* Văn và người,
Nhà thơ Vân Long - Chương trình Văn Nghệ - Đài Tiếng nói Việt Nam
“… Lê Cảnh Nhạc chiếm được tình cảm bạn đọc nhỏ tuổi bởi những tình tiết sống động, độc đáo. Nhưng trên tất cả bởi tấm lòng đôn hậu, yêu quý các em đã lấp lánh trên từng câu, từng chữ, giúp anh nói có hiệu quả những điều anh muốn nói với các em…”

*
Nhà báo Hồ Sông Hương - Những trang văn gắn bó với tuổi thơ - Văn Nghệ Trẻ số 37, ngày 14/9/2003
“...Cái nhìn của nhà báo, nhà văn Lê Cảnh Nhạc như hoà vào cái nhìn, cái nhận xét của người cần lao khiến cho mỗi câu chuyện vui vừa bình dị, vừa sâu sắc. Người đọc dễ thông cảm đồng tình với vấn đề tác giả đặt ra và cách giải quyết vấn đề phần lớn có hậu như những câu chuyện thủ thỉ mẹ kể con nghe hay ông bà kể cho con cháu nghe vậy...”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét