Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Khúc giao mùa lặng lẽ...

Theo nhà thơ Chu Thị Thơm - Tạp chí Nhà văn 2005; Evan-Vnexpress

 * Nhân đọc tập thơ Khúc giao mùa của Lê Cảnh Nhạc
Lê Cảnh Nhạc viết văn xuôi nhiều hơn là thơ. Nhưng bạn đọc lại nhớ đến anh qua những vần thơ trữ tình với những cung bậc cảm xúc sâu lắng, thiết tha nhiều hơn. Đây là một hạnh phúc không dễ dàng có được đối với số đông người cầm bút.

Đọc thơ Lê Cảnh Nhạc, ta nhận ra có một thế giới của tâm trạng và những nỗi niềm xưa cũ bất chợt ùa về. Và phút giao mùa trong thơ anh lại là sự khởi đầu của những cảm thức thiết tha, sâu lắng trong tâm trạng. 41 bài thơ trong tập, vì thế là 41 lớp lang cảm xúc với nhiều cung bậc khác nhau.

Lê Cảnh Nhạc là người không giấu mình trong thơ. Mọi điều khó nói nhất trong cuộc đời này, với anh cũng trở nên giản đơn, dễ hiểu. Ấy là khi anh nhận ra chung quanh mình, không gian bốn bề đấy ắp tình yêu và nỗi niềm thương nhớ. Điều mà thi sĩ quan tâm nhất cõi đời này là tình yêu. Ở đâu có tình yêu thì ở đó có cái đẹp và cái đích thực của cuộc sống ngự trị. Quá nửa số bài thơ trong tập, thi sĩ nói về cõi nhớ và niềm yêu. Khi tác giả nhận ra: Em bủa lưới dỗi hờn vây trái cấm tình yêu thì cũng là lúc thi sĩ lo lắng, sự lo lắng lúng túng rất đáng yêu của người trong cuộc: Một phút dỗi hờn gánh cả cô đơn/Nếu thiếu nó đời anh nghèo đi biết mấy/ Nhưng mỗi bận bên em vẫn lo em ngúng nguẩy/ Lóng ngóng tay anh chẳng biết nấp nơi nào (Một phút dỗi hờn). Còn đây là một ước mong muôn thuở của thi sĩ, dẫu còn ít nhiều nghi hoặc: Em có là cầu tàu/ Đón thuyền anh cập bến?/ Em có là đảo xa/ Chờ thuyền anh vượt biển?... (Hãy là nơi anh đến). Những câu hỏi tu từ xoáy sâu vào tình cảm của biết bao đôi lứa yêu nhau, không dễ gì có sự trả lời. Nhưng ở đâu có niềm thương và nỗi nhờ thì ở đó con thuyền tình yêu sẽ cập bến Tình. Điều mà tác giả ước ao không phải không trở thành sự thật. Và nó chỉ trở thành sự thật khi trong mỗi cuộc đời có một tình yêu lớn lao đủ sức nâng đỡ và đưa con người đến sự cao cả với cái đẹp vĩnh cửu. Lê Cảnh Nhạc không có sở trường dùng những mỹ từ với lối viết khoa trương. Bản thân tình yêu không cần sự khoa trương. Nó giản dị như cuộc đời rất thật này. Hãy nghe nhà thơ nói về khát vọng tình yêu như khát vọng của đại dương với những bí ẩn và chiếm lĩnh, giao cảm với đời: Xin em đừng là bờ, em đừng là bãi cát/In trăm dấu chân người, biển khỏa lấp si mê/ Để bãi cát trăm lần vẫn trinh bạch soi ánh sáng pha lê/ Khiến đại dương ngàn đời cồn cào quanh gót trần lục địa... (Tình của biển). Trong thơ Lê Cảnh Nhạc, luôn thảng thớt sự cô đơn và lo lắng. Biết rằng nỗi lo là có thật khi anh xót xa người bạn đời gầy như năm tháng. Bóng gầy đó đã nhen lên trong anh biết cao hy vọng, như giọt nắng đổ bóng vào những tháng ngày si mê: Như nỗi nhớ se lòng/ Mỏi mòn nhen hy vọng (Em ơi, sao em lại gầy).

Trong bài thơ sân khấu cuộc đời, thi sĩ đã thừa nhận trong đáy hồn mình "luôn hiện hữu thiên thần và quỷ sứ" và "thiên thần dâng tặng em cho anh" khi "quỷ sứ chực làm trái tim anh vỡ nát". Hai mặt cuộc sống, cũng như sự đối lập tương phản của cuộc đời luôn luôn hiện hữu và có thật: Thiên thần gieo mầm tình yêu, hạnh phúc/ Quỷ sứ dẫn anh đi bẻ trái cấm địa đàng. Đằng sau những mất mát với những giọt nước mắt khổ đau là một sự ngộ ra bản thể, ngộ ra chính mình. Trạng thái thức tỉnh sau những cơn mơ rất quan trọng bởi không ai ngoài bản thân mình có thể làm sống lại những điều mơ ước khát khao. Những câu thơ chiêm nghiệm của Lê Cảnh Nhạc vì thế sâu lắng thiết tha hơn: Nước mắt dài hơn ngày, nỗi đau sâu hơn đêm/ Mỗi khi thiên thần trong anh gục ngã/ Dẫu một phút giây thôi, một phút giây lầm lỡ/ Anh tuột buông rơi vỡ ánh mặt trời...

Đi qua năm tháng, cảm xúc yêu thương khắc khoải ấy vẫn trĩu nặng trong tác giả. Đôi khi bất chợt ùa về, có mà như không, tưởng như vụt biến, nhưng lại hiện hữu bóng dáng yêu thương đâu đó: Em giấu mình trong bí ẩn xa xôi/ Vừa rất thực lại như là ảo ảnh/ Ùa đến nồng say hững hờ lẩn tránh/ để mình anh thảng thốt tê lòng (Khúc giao mùa).

Khúc giao mùa trong thơ Lê Cảnh Nhạc có những cung bậc cảm xúc yêu thương như thế, nhưng cũng có những quặn thắt với những khát khao và mơ ước chưa nói được thành lời.

Thơ Lê Cảnh Nhạc còn là tiếng nói sẻ chia, đồng vọng với những số phận, cuộc đời và những vùng đất anh đã đi qua. Một mùa đông lạnh giá tuyết rơi trên sông Vonga, một cung đàn Nga vang lên ở nơi xa Tổ quốc, hàng dương trắng lạnh lẽo giữa trùng khơi Côn Đảo... cho đến những hình ảnh thân thương của quê hương và những người thân đã vào thơ anh một cách tự nhiên, chân tình, da diết thẳm sâu qua những con chữ giản dị mà chân thật. Anh nói với mẹ trong lòng biết ơn vô hạn: Tiếng ru cất lên nhân nghĩa cuộc đời/ Cho con thương yêu cái cò cái vạc/ Yêu những luống cày, những người gieo hạt/ Nâng bát cơm thơm biết quý giọt mồ hôi... (Mẹ vĩnh hằng). Thì ra ý nghĩa cuộc đời là sự thấu hiểu và biết ơn như thế này. Cũng như những điều anh cảm nhận về người cha đã khuất qua sự chiêm nghiệm giữa quá khứ và thực tại, giữa cái còn và mất, giữa cái có thể và điều không thể...

Từng là thầy giáo, Lê Cảnh Nhạc luôn có những nỗi niềm yêu thương với những con người đã và đang hàng ngày bên bảng đen phấn trắng. Hình bóng yêu thương của mái trường và những người đứng trên bục giảng đã xuất hiện trong thơ Lê Cảnh Nhạc một cách yêu thương trìu mến... Những giọt phù sa của yêu thương, của khát khao đã ùa vào những trang thơ Lê Cảnh Nhạc. Điều đó lý giải tại sao, thi sĩ không cần chú trọng đến câu chữ với sự cách tân cầu kỳ, nhưng sự mộc mạc, giản dị ấy đã thuyết phục người đọc ở cái tình đối với những điều mình thể hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét