Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

HUONG DAN SUA LOI FONT CHU

Khi truy cap vao Blog Le Canh Nhac, neu bi loi font chu, quy ban doc vui long click vao VIEW tren thanh cong cu o goc trai tren dau trang web, sau do click vao ENCODING (giai ma) roi chon font UNICODE (UTF-8) de doc bai.
Xin chan thanh cam on!

Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc: “Không bao giờ trăng khuyết”

Theo Bình Nguyên Trang, Báo An ninh Thế giới, ngày 20/08/2010

Lê Cảnh Nhạc được biết đến như một nhà thơ. Nhưng thực ra anh hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực. Anh viết văn xuôi thậm chí còn nhiều hơn thơ và truyện cho thiếu nhi của anh rất được các em nhỏ yêu thích. Tuy nhiên, Lê Cảnh Nhạc thừa nhận, thơ vẫn là một "người tình" cho anh nhiều men say nồng nhất, ám ảnh nhất, cho dù người tình ấy nhiều khi cũng đỏng đảnh, bất thường và làm khổ anh nhiều lắm.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hà Tĩnh, mảnh đất địa linh nhân kiệt, Lê Cảnh Nhạc đến với văn học như một điều gì hết sức tự nhiên. Người thầy đầu tiên đưa anh đến với sách và niềm đam mê sách chính là người cha của anh, một nhà giáo. 

  Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc tại "Ngày thơ Việt Nam"
ở quê hương Nguyễn Du, Hà Tĩnh.

Nhớ về cha, Lê Cảnh Nhạc tâm sự: "Thuở tôi còn nhỏ, mỗi ngày cha tôi viết lên xà nhà một câu danh ngôn và bắt tôi học thuộc để cụ kiểm tra. Nhờ vậy mà rất nhiều câu nói hay của các bậc tiền nhân tôi thuộc nằm lòng đến bây giờ. Những câu danh ngôn thực ra cũng chính là những bài học cuộc sống mà mỗi khi gặp một hoàn cảnh khó khăn nào đó mình có thể lấy nó ra để tự răn mình". Sách dường như là một món ăn tinh thần không bao giờ thiếu với Lê Cảnh Nhạc. Nó mở ra cho anh những chân trời và khơi gợi tình yêu cuộc sống, trí tưởng tượng. Niềm yêu thích văn chương cũng từ đấy mà ra.

Lê Cảnh Nhạc có cậu ruột là nhà văn Lương Sỹ Cầm, một nhà văn trong lực lượng Công an nhân dân. Bài học viết văn đầu tiên trong cuộc đời Lê Cảnh Nhạc nhận được chính là từ người cậu nhà văn nổi tiếng khó tính này. "Khi tôi còn nhỏ, mùa hè cậu tôi về thăm quê, tôi len lén mang cho cậu mấy bài thơ mình viết để cậu đọc và góp ý. Khi đọc xong, cậu nhận xét "tác phẩm" của tôi với những câu làm tôi, khi đó vẫn là một đứa trẻ, cảm thấy rất buồn.

Nhưng trước khi đi, cậu gọi tôi lại và dặn: "Ở đời, người ta khen thì mình phải cảnh giác, còn khi người ta chê thì lắng tai mà nghe, cháu ạ". Sau này lớn lên, từng trải việc đời, việc văn chương, Lê Cảnh Nhạc mới thấm thía lời dạy của cậu mình. Anh xem viết là một công việc âm thầm, lặng lẽ. Nói đúng hơn nó là một công việc để tu thân. Anh tâm đắc với quan niệm của nhà thơ Tố Hữu: "Thơ là tiếng lòng".

Người ta chỉ thực sự có thơ hay khi sống thật với lòng mình. Mặc dù không dị ứng với những tìm tòi, cách tân của các nhà thơ trẻ hiện nay, nhưng Lê Cảnh Nhạc khẳng định, anh thà viết "cũ" mà đi vào trái tim bạn đọc còn hơn là đổi mới để tắc tị, để đánh đố độc giả.

Thơ, với anh đơn giản là sự sẻ chia, sự giao cảm giữa người viết và người đọc. Thiếu sợi dây gắn bó ấy, thơ không còn là chính nó nữa. Trữ tình, sâu lắng, giản dị, ấm áp là những phẩm chất thơ của Lê Cảnh Nhạc. Anh đặc biệt ít sử dụng các mỹ từ cũng như chối bỏ những gì thuộc về sự ồn ào, khoa trương. Thơ Lê Cảnh Nhạc không phải thứ thơ "bắt mắt".

Nó thậm chí còn có vẻ nhàm chán với những ai ưa sự đọc ồn ào. Nó là thứ rượu uống từ từ, ngấm lâu và khi đã làm người ta say thì cũng là cái say rất sâu, rất ngọt. Có một sự đồng nhất giữa con người và thơ của Lê Cảnh Nhạc, là sự chân thành đến cảm động. Anh viết như một sự trải lòng. Không cầu kỳ trong tìm kiếm đề tài, thơ anh là những khúc hát về tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, tình yêu gia đình, cha mẹ. Chắt lọc vào thơ những trải nghiệm bản thân từ những điều rất nhỏ nhặt, những chi tiết rất hàng ngày trong đời sống, thơ Lê Cảnh Nhạc cho ta một cảm giác dễ chịu về sự hồn hậu đến mức thật thà, đáng yêu. 

Lê Cảnh Nhạc có nhiều bài thơ hay về quê hương. Miền quê Hà Tĩnh trong anh luôn là một sự ám ảnh. Mà hình ảnh quê hương bao giờ cũng gắn liền với hình ảnh Mẹ. "Con lớn lên, đồng níu mẹ hai vai/ Bão giật tháng ba, lũ tràn tháng tám/ Đắp đập vá đê, be bờ chống hạn/ Hạt gạo nuôi con biết mấy tảo tần".

Về mẹ mình, anh kể: "Mẹ tôi là một người nông dân thực thụ. Ký ức tuổi thơ của tôi là bóng dáng mẹ tảo tần với trăm công ngàn việc. Tôi nhớ mỗi buổi sáng tinh sương, khi anh em chúng tôi còn ngủ say, mẹ đã trở dậy giã gạo. Cám thì mẹ để nuôi lợn, tấm thì để nhà ăn, còn gạo trắng thì mẹ mang chợ bán lấy lãi. Giã xong gạo trời hãy còn mờ sương, mẹ đi vào núi nhặt 3 gánh phân trâu, bò về để làm ruộng. Về đến nhà mẹ tất tưởi mang gạo đi chợ. Bán hết gạo rồi mẹ mua gánh chè tươi quẩy về nhà mới đánh thức bầy con dậy. Chiều mẹ lại gánh gánh chè ra chợ bán kiếm lời và khi về là quẩy một gánh thóc nặng để đêm mẹ dậy sớm giã gạo. Cứ như thế mỗi ngày mẹ làm lụng vất vả để nuôi anh em chúng tôi khôn lớn".

Dễ hiểu vì sao Lê Cảnh Nhạc có nhiều bài thơ hay về mẹ, về quê hương. Thời trẻ, anh đã chọn nghề sư phạm. Và vì yêu quê hương anh đã tình nguyện trở về quê nhà dạy học, tham gia công tác Đoàn, đội để dìu dắt các em nhỏ. Ít ai biết rằng năm 23 tuổi Lê Cảnh Nhạc đã là Phó hiệu trưởng Trường cấp 2 Kim Liên làng Sen quê Bác. Anh cũng là người Tổng phụ trách Đội rất được các em nhỏ yêu mến.

Cuốn sách đầu tiên của anh được Nhà xuất bản Kim Đồng "đặt hàng" không phải là cuốn sách văn học mà là viết về những kinh nghiệm anh làm Tổng phụ trách Đội. Yêu mảnh đất quê nhà còn nghèo, còn vất vả, thầy giáo trẻ Lê Cảnh Nhạc ngày ấy nguyện mang tâm sức mình cống hiến cho quê hương. 

         Anh rưng rưng nước mắt khi nhắc lại kỷ niệm ngày lên đường đi du học ở Liên Xô: "Bác tôi là GS Lê Bá Hán. Ông biết tôi vừa giỏi chuyên môn sư phạm, vừa giỏi công tác phong trào, nhưng ông khuyên, tài năng giống như con ngựa bất kham, nó chỉ có thể đưa mình đi tới đích nếu mình biết giật giây cương cho nó đi về một hướng. Tôi chọn nghề giáo để theo đuổi. Và tôi được nhà nước cử sang Liên Xô học về tâm lý giáo dục. Ngày tôi lên đường, quê hương đang phải gánh chịu một cơn bão cấp 12. Nhìn cây cối đổ ngả nghiêng, tôi đi mà thấy lòng mình như se sắt lại. Tôi thấy mình như đang là người có lỗi, chạy trốn khỏi những khó khăn, nhọc nhằn của quê hương".

Và đây là những câu thơ được nhiều người chép vào sổ tay mà Lê Cảnh Nhạc đã viết trong hoàn cảnh ấy: "Ước làm một hạt phù sa/ Ước làm một tiếng chim ca xanh trời/ Ước làm tia nắng vàng tươi/ Ước làm một giọt mưa rơi ấm chồi". Sau này, trở thành một nhà văn, nhà báo, đảm nhiệm nhiều cương vị công tác quan trọng, nhưng quê hương Hà Tĩnh vẫn là một nỗi niềm đau đáu trở đi trở lại trong thơ Lê Cảnh Nhạc.

Bài thơ "Huyền thoại Hồng Lam" của anh có thể được xem như một khúc tráng ca về Hà Tĩnh. Lê Cảnh Nhạc có biệt tài đưa các địa danh quê hương vào trong thơ rất tình, rất thi vị. "Gió ngàn xanh đẫm mát nước sông La/ Tùng Ảnh thành tên từ bóng thông Tùng Lĩnh". Những cảm thức ấy chỉ có thể có được từ trái tim gắn bó máu thịt, chân thành của nhà thơ với quê hương, xứ sở.

Sẽ thật khiếm khuyết khi không nhắc về Lê Cảnh Nhạc với những bài thơ tình có hương vị rất riêng. Tình yêu, lúc nào và ở đâu cũng là một món quà quý giá nhất của Thượng đế. Với thi sĩ, nó càng không thể thiếu. Nó là nơi để cái đẹp thăng hoa, nơi bung tỏa của cảm xúc với nhiều trạng thái khác nhau. Hiếm thấy thi sĩ nào viết về vợ hay như Lê Cảnh Nhạc: "Vẫn là em, điên đảo hờn ghen/ Nồng như ớt, mặn như là muối bể/ Cuống quýt vào ra chua chanh chát khế/ Quay quắt thương, quay quắt nhớ xa chồng". Cụ thể, chi tiết, mà vẫn đủ sức lay chứa tâm hồn người đọc.

Lê Cảnh Nhạc dường như muốn giấu kỹ con người thi sĩ của anh đi, khi anh mộc mạc như vậy trong ngôn từ. Nhưng anh vẫn làm người đọc xúc động, vì ẩn sau đó là một tấm lòng chân thành. Cái đẹp trong thơ anh đến từ cái Thật. Người ta đi khắp thế gian để nhận ra bao nhiêu mỹ miều, xiêm áo, cuối cùng vẫn chỉ là bọt bèo trước cái Thật, cái bình dị. Tình yêu, hạnh phúc cũng vậy thôi. Tận cùng của nó là sự giản dị đến không ngờ. Lê Cảnh Nhạc chắc chắn đã "ngộ" ra điều ấy.

Anh không cần sự phô trương nào hay sự điểm tô nào cho tình yêu. Anh viết về khuôn mặt thật của nó, rất trong trẻo và không kém mãnh liệt: "Anh thành tro của đá/ Anh thành tàn của cây/ Hồn anh thành mây khói/ Hoang trời đêm Phiêng Lơi".

Ngoài thơ, Lê Cảnh Nhạc là một nhà quản lý. Anh giữ cương vị Tổng biên tập Báo Gia đình & Xã hội kiêm Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế phụ trách báo chí, truyền thông, sức khỏe của Bộ Y tế. Gần 20 năm trước, Lê Cảnh Nhạc đã từng một mình làm từ A-Z những số đầu tiên tạp chí "Vì trẻ thơ", rất hay và hấp dẫn. Anh cũng là người viết báo rất "mả" ở nhiều thể loại. Phóng sự "Mầm ác và hướng thiện" của anh đã từng giành giải thưởng Báo chí toàn quốc năm 1994 và giải thưởng Báo chí của Trung ương Đoàn. Bận rộn là gương mặt đời thường Lê Cảnh Nhạc. Cuộc sống lăn lộn của người làm báo đã cho anh nhiều trải nghiệm.

Những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, những số phận con người... đã bước vào thơ anh một cách tự nhiên với nhiều day dứt. Và phút làm thơ chính là phút anh soi lại mình. Tôi rất ám ảnh những câu thơ giàu chiêm nghiệm của Lê Cảnh Nhạc: "Ta biết trong ta những góc nào u tối/ Mê hoặc ta đâu dễ dứt lìa/ Bóng tối cuốn đi/ Bóng tối hút về/ Cơn khát cuồng si nô lệ".

Nhận biết chính mình có lẽ là hành trình khó khăn nhất trong cuộc đời mỗi con người. Mỗi bước lên cao hơn cũng chính là mỗi bước nhìn sâu vào bản thể của mình, để nhận ra đâu là những giá trị thật của đời sống. Trên con đường độc hành ấy, Lê Cảnh Nhạc bất chợt nhận ra: "Một nửa tin yêu một nửa ngờ/ Nửa kết sâu bền, nửa vu vơ/ Nửa trải lòng, nửa đầy bí hiểm/ Nửa sáng như gương, nửa tối mờ". Và anh giật mình: "So cân một nửa cùng một nửa/ Nửa cán cân đời số không thôi"...

Phải trải qua rất nhiều những buồn vui của đời sống, thậm chí là cả những vết thương, anh mới đến được gần chân lý ấy. Nó mang màu sắc của Đức Phật. Nó bình yên và thức tỉnh. Những có có, không không là rất vô thường. Con người ta đi qua đời sống và để lại điều gì? Nào phải địa vị sang hèn hay chức tước. Nó có thể là một ánh mắt, một nụ cười, một lời ru, một tình yêu, một tấm lòng.

Thấu suốt điều đó để cảm thấy mình hạnh phúc, để yêu hơn mỗi ngày đang có, đang lao động và cống hiến có lẽ là thông điệp lớn nhất mà Lê Cảnh Nhạc muốn gửi gắm vào thơ. Và như anh từng nói, cho dù đời sống có nhiều đổi thay thế nào đi chăng nữa, thì tấm lòng của nhà thơ với cuộc đời lúc nào cũng rất tròn đầy, như vầng trăng không bao giờ khuyết.

Lê Cảnh Nhạc và những mùa trăng không bao giờ khuyết

Theo Chu Thị Thơm: Đọc “Không bao giờ trăng khuyết” - Tập thơ của Lê Cảnh Nhạc - NXB Hội Nhà văn - 2010

Từ “Trăng không mùa” đến “ Không bao giờ trăng khuyết”, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc-đã luôn đi từ thế giới thật về cõi ảo, miên man ký ức. Từ ký ức, với ảo hình chập chờn sương khói, của hiển linh từ trong tâm thức-thế giới của yêu thương hiển hiện ập về… Mùa trăng trong thơ Lê Cảnh Nhạc là mùa trăng của tình yêu và mộng mơ-mùa trăng của những điều khôn tả trong các cung bậc yêu thương cần sẻ chia ở cuộc đời. Ảo ảnh-mơ hồ trong cõi thực hư-khi anh đẩy hình tượng thơ về cõi thực–để chạm vào cái tình của đời-của người thơ-đó là tất cả những gì được thể hiện trong tập thơ. Nhất là thủ pháp nghệ thuật ấy được thể hiện rất rõ khi anh viết về tình yêu, về một nửa thế giới yêu thương không chỉ của riêng mình.

Để lý giải, cắt nghĩa cho một nguyên cớ yêu thương, Lê Cảnh Nhạc thường cho rằng trong biển trời bao la của vũ trụ, có nơi trú ẩn cho lòng trắc ẩn, yêu thương tròn trịa của con người. Tình yêu thường xuất hiện sau sự hóa giải của hờn ghen, giận dữ và âu lo, phiền muộn. Và, có 101 lý do để nhà thơ có thể cho ra đời những câu chữ đẹp, ấy là khi khuông nhạc tình yêu cất tiếng nói không lời.

Tôi nhận ra nhân vật “em” xuất hiện và trở đi trở lại trong tác phẩm của anh, như một nỗi nhớ, như một ký ức và tình yêu thực sự động rung khôn tả. Thi sĩ ảo hóa tình yêu bằng hình tượng cụ thể, lạ và mới như thế này:
... “Giọt tim rỏ xuống
Hạt mầm nhú lên
............
Dồn sâu cắm đất
Rưng rưng cành lộc
Trổ đầy giọt tim...”
( Giọt tim)

Giọt tim, giọt đời, mầm sống, mùa xuân...? Là một nhưng cũng là tất cả. Thật nhưng cũng ảo quá. Mơ hồ tựa như ảo ảnh, nhưng cũng rờ rỡ, hiển hiện và rưng rưng. Trong bức tranh tinh khôi để cho chồi non bật mở ấy, có bóng đêm và ánh ngày thu lại tiếng gọi “ em” tha thiết-đủ để cho tứ thơ mở và đi xa hơn. Cảm xúc dâng lên, trong chúng ta có những “giọt tim” bồi hồi, nhung nhớ và da diết, yêu thương.
         
Còn đây là dạ khúc yêu thương, cũng được ánh trăng minh chứng. Bài thơ “Dạ khúc” có tứ lạ, ngân nga tựa khúc đồng dao. Cả bài thơ là khúc nhạc trải dài, miên man về miền xa vắng, qua lời an ủi và tự an ủi vỗ về cảm xúc yêu thương sâu lắng của con người. Nhịp thơ sâu lắng, ám ảnh bởi những điều nhà thơ trải lòng, hầu như xuất hiện ít nhiều đâu đó trong mỗi chúng ta trong đời:
Thôi nào đừng đớn đau
Với những lời giã biệt
Thôi nào đừng vô tình
Với cỏ ngày xanh biếc
Đã qua bao nuối tiếc
Còn đây lời cỏ cây
Còn đây lời xanh thắm
Hát với em đêm ngày...
...

 Tứ thơ tiếp tục mở ra một không gian cảm xúc, tha thiết và sâu lắng. Nhịp điệu thơ như những khuông nhạc trong sự bâng khuâng, có chút gì như nghẹn ngào, nuối tiếc…
         
Hình như cứ mỗi khi chạm vào nỗi buồn, tứ thơ của thi sĩ lại chạm vào sự nhung nhớ, nuối tiếc, có gì đó rưng rưng… Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là nỗi buồn-nếu có-trong anh cũng hết sức trong trẻo, tinh khôi và nhân ái. Điều đó đã chi phối mạch thơ trong suốt quá trình sáng tác của anh.

Lê Cảnh Nhạc là người hòa vào không gian thơ một cách tự nhiên, bình dị và dịu êm. Nhẹ nhàng, có lúc tưởng như mơ hồ, không thể-nhưng người đọc nhận ra đi qua làn sương khói ảo mờ của ký ức và kỷ niệm ấy, thấp thoáng những hình ảnh khó quên. Đó là vệt rừng bên suối, đỉnh đèo đầy mây trắng, cô gái Thái với điệu múa và ánh mắt hút hồn người… Trong một khoảnh khắc bất chợt ở triền non xa, thi sĩ đã say. Bốn bề vầng trăng lảo đảo. Núi đồi né đường cho vầng trăng qua, mây dạt vào cõi để trăng về… Nhưng hơn cả là bốn bề, nhịp múa và chiếc váy xòe cùng nhan sắc thiếu nữ đã đôi lúc khiến nhà thơ tưởng như không… thể tỉnh lại được.
Những câu thơ-vì thế cũng lảo đảo theo nhịp sóng mắt và cảm xúc trào dâng của thi sĩ:  
…Trăng lướt khướt ngang đồi
Bóng cây chừng chao đảo
Đất trời nhòa hư ảo
Vòng xòe em chuốc say

Say rượu hay say tình? Có lẽ cả hai. Tôi rất thích những câu thơ dễ mà khó phân định như vậy. Và, chính vì thế, đây là hệ quả tất yếu-là sự biến đổi của một vế đối đẹp-trong cảm thức và hiện thực, giữa tỉnh và mơ. Đây là phút phiêu diêu đẹp-lãng mạn của thi sĩ:
Anh thành tro của đá
Anh thành tàn của cây
Hồn anh thành mây khói
Hoang trời đêm Phiêng Lơi
(Đêm Phiêng Lơi)

       Đọc những bài thơ Lê Cảnh Nhạc viết trong 2 tập thơ (“Khúc giao mùa” và “Không bao giờ trăng khuyết”) - ta sẽ nhận ra, dẫu có để hồn phiêu diêu đâu đó, viết về đề tài gì đi chăng nữa, nhưng hễ cứ chạm vào một bóng hồng - những câu thơ của anh lại như được một lần nữa “thăng” lên cùng tác giả. Đẹp, dịu dàng, trìu mến và đầy yêu thương nhưng cũng đầy trắc ẩn - đó là khi anh viết về những người phụ nữ đã đi qua cuộc đời mình. Ta không nên suy diễn và thô thiển khi gắn và áp đặt với một nhân vật cụ thể trong thơ anh. Hình bóng những người phụ nữ lặng lẽ hay ồn ào –vẫn là những người phụ nữ khi thì tất tả mưu sinh, khi thì hờn ghen nóng lạnh, khi thì gần gũi, lúc thì xa xôi…Thậm chí-khi họ tưởng như có thật-nhưng ngẫm lại-họ cũng chỉ là một ảo ảnh được biết đến như một giấc mơ…

Tình yêu với những cung bậc của cảm xúc đã theo nhà thơ vào từng trang viết-qua thời gian và không gian.

Anh đối thoại và độc thoại với tình yêu. Đôi khi thi sĩ miên man lý giải cho một cuộc tình mơ hồ trong sương khói. Lúc thì viện dẫn cho một quy luật buồn của một tình yêu trắc ẩn. Khó để đoán định và chỉ rõ cho một điều gì cụ thể trong thơ anh. Niềm thương và sự trìu mến thì cụ thể khi anh viết cho những người phụ nữ mình yêu thương. Sự dằn vặt và ưu tư khi anh nhận ra trong cuộc đời này, vẫn còn nhiều lắm những bóng hình chập chờn của một nửa thế giới với những số phận buồn.

Không nên cụ thể và chi tiết hóa những hình tượng thơ mang bóng dáng phụ nữ trong tập thơ này. Nhưng chính nhưng cảm xúc mơ hồ mà rõ rệt ấy đã tạo thành chất xúc tác cho thơ, buộc thơ chắp cánh. Có một phút giây “lửa cháy bất ngờ/ một đời thiêu đốt câu thơ say nồng” để cuối cùng, thi sĩ “tan chảy tựa dòng sông/tràn bờ em, giữa cánh đồng cỏ may”. Cánh đồng cỏ may yêu thương và giây phút chạm lửa tình . Chỉ hai yếu tố đó cũng đủ đốt cháy câu thơ, và làm tan chảy trái tim thi sĩ.

Lê Cảnh Nhạc là người hay cả nghĩ. Sau gặp gỡ là trở trăn, nhung nhớ. Một bóng hồng đi qua ký ức mà anh bất chợt gặp đâu đó trên đường cũng khiến anh ngậm ngùi, man mác. Và, hình bóng mơ hồ ấy đã “vận” vào thơ anh như một ảo ảnh có thật trong đời:
…Dẫu biết rằng hoa chẳng nở ngày đông
Dẫu biết rằng sông chẳng về phía núi
Dẫu biết thời gian chẳng thể nào trở lại
Để đôi mươi vấn vít cánh sâm cầm
(Nhớ và khát)

Thì ra thi sĩ khát cơn mưa xối xả và nhớ men rượu cần cũng chỉ là cái cớ để đẩy cơn say vào cõi ảo. Ở chốn mông lung ấy, hình bóng và ảo ảnh xưa sẽ hiển hiện trở về.

Còn đây là một dạ khúc của yêu thương, được viết nên bởi một tâm trạng phiêu du nhưng trầm lắng, giữa cõi mông lung và gần như trọc trụi trong đời. Bài thơ có tên là “ Độc mộc tình”. Cả bài thơ là lời tạ tình cho một sự tri ân, cho một tình yêu và bóng hình. Nỗi buồn man mác lan xa, hơn cả khúc “độc mộc tình” trên dòng đời trôi chảy. Tứ lạ, hình ảnh lạ, với nhiều cung bậc cảm xúc đan chen, nối tiếp hiện tại và quá khứ. Khúc đồng dao độc mộc tình ấy, vì thế buông neo vào lòng người, ám ảnh và khó diễn tả về sự cụ thể:
…Không còn chốn mơ/ Phút giây tan chảy/ Tiếng rừng thức dậy/ Giao hòa mây mưa/ Thác trắng trào xô/ Liễu đầm ướt tóc/ Thuyền tình độc mộc/Rẽ nguồn hoang ngây…

Còn lần này, thi sĩ đi trong mênh mang luyênh loang của ánh trăng. Nhưng thi sĩ cũng thấy giữa biển trăng mộng ảo ấy đã ghi nhận một bóng hình bất chợt đi qua cuộc đời. Câu thơ nửa như tiếc nuối, nửa như hờn tủi, tự trách mình:
…giá đừng sáng quá trăng ơi
Để không lỗi hẹn một đời đợi em…
 (Trăng)

Trong tập thơ, có rất nhiều lần ánh trăng buông và bủa vây thi sĩ, đẩy tứ thơ từ thực tại trở về ký ức, với đầy vơi kỷ niệm, với cả những điều khát vọng thấp thỏm trong tương lai. Ánh trăng lướt khướt trên đỉnh Phiêng Lơi, trăng ùa vào sương khói tình yêu ở bến bờ sông Ngân, trăng đẩy tứ thơ treo cao trong dạ khúc, nhưng trăng sẽ không bao giờ khuyết thiếu trong tâm thức nhà thơ và những người đang yêu và sẽ yêu.

Thông điệp muôn đời của thơ ca - đó là nàng thơ luôn được chắp cánh và ký thác nỗi niềm của thi sĩ bởi vẻ huyền diệu của trăng và của vẻ đẹp lấp lánh trong cuộc đời.

Không chỉ có mộng ảo, hay khát vọng, dịu dàng, yêu thương… Cuộc sống vẫn còn những cuộc đời và thân phận tình yêu khiến những vần thơ của thi sĩ như những khuông nhạc trầm, man mác, xa xăm...

Đi từ ngã ba sông dòng đời tuôn chảy, thi sĩ như người nhập thế - khi nhận ra trước mắt mình là dòng linh cảm, với trong đục. Nơi cội nguồn của cảm xúc, cũng là nơi tình yêu không thể hai dòng. Dẫu đó là “nơi hóa thân là nơi gửi linh hồn/dù đang trôi trên dòng định mệnh”, thì“dòng tình yêu/mải miết/theo cuộc đời/ từ ngã ba sông (Ngã ba sông).

Có lẽ ở ngã ba sông đời kia, vầng trăng trong thơ anh không bao giờ khuyết. Bởi những câu thơ xuôi về bến trăng, qua đôi bờ dậy sóng của dòng sông đời tuôn chảy, đã neo về bến cũ. Ở đó, tất cả cùng rẽ sóng, ra tới biển mặn mòi.

       Điều đó lý giải vì sao, ngoài tình yêu, gần 1/3 số bài trong tập thơ viết về quê hương, đất nước, người thân…trong tập thơ này đều đưa người đọc tới một sự tròn trịa đủ đầy của vầng trăng cảm xúc. Thế giới thật và ảo mộng. Nơi ấy, tình yêu, nỗi nhớ, sự tri ân, vị tha… được tôn vinh và khắc ghi, như hai vế đối lập mà hòa quyện: thơ ca và cuộc đời. Vì thế, ở tập thơ này, lần thứ hai, Lê Cảnh Nhạc đã thành công.

Những vần thơ xúc động về người thầy áo trắng

Theo Nhà thơ Lê Duy Phương
         
         Lê Cảnh Nhạc viết đều và in đều trên các báo. Anh còn có giọng đọc truyền cảm nên đã để lại nhiều ấn tượng tốt cho độc giả trong các chương trình thơ. Thơ Lê Cảnh Nhạc thấm đẫm tình yêu đối với quê hương, với bạn bè, với gia đình…Khi anh về làm Tổng biên tập Báo Gia đình và Xã hội, một tờ báo của ngành y tế, thực tiễn đã cho anh nguồn thi hứng mới. Tôi muốn đề cập đến mạch xúc cảm về “người thầy áo trắng” của Lê Cảnh Nhạc qua một chùm thơ gần đây của anh.     

          Không yêu sao được, không trân trọng sao được những cán bộ y tế vùng cao “cả tuổi xuân heo hút phía cổng trời” để chăm lo sức khỏe cho người dân ở những nơi phải chịu nhiều thiệt thòi nhất:
          Cái rét vùng cao buốt nhói vào đêm
          Buốt nhói tuổi xuân qua thì con gái
          Triền lũng xa vắng chân người qua lại
          Chỉ có sốt rừng, dịch bệnh gọi tên em

          Nỗi day dứt của tác giả khiến tất cả chúng ta đều phải tự soi mình, tự vấn lương tâm mình trước những mất mát, hy sinh của người thầy khoác áo blue nơi vùng cao heo hút: 
          Ngày xa em về với phố phường
          Anh không nghe gió gào
          Không nghe tiếng xô rừng lũ quét
          Không nghe bước chân em rạch bùn trong giá rét
          Đâu biết gió hoang vu thổi dạt nắng xuân thì
                                      (Áo trắng vùng cao)

         Tôi là một trong những học trò của Giáo sư - Bác sỹ Đỗ Nguyên Phương trong thời gian ông công tác tại Trường Đảng. Một lần gặp ông, nhân dịp Đại hội Đảng toàn quốc (lúc bấy giờ ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế) tôi nói vui: “Chắc chắn Thầy sẽ tái cử, vì hầu hết các đại biểu trong hội trường này đều là học trò của Thầy”. Quả đúng thế, nhiệm kỳ đó, ông đã trúng cử với số phiếu rất cao. Đó chính là chân dung một người thầy thuốc đáng kính đã từng trải qua nhiều cương vị công tác, và là người đi đầu trong phong trào đưa y tế về với người nghèo mà Lê Cảnh Nhạc đã vinh danh: “Mọi người tìm hư vinh/Thầy tìm về dân nghèo với nhiệt tâm y đức/Đau nỗi đau vùng cao khi người Mông thiếu thuốc/ Lo nỗi lo đảo xa khi bác sỹ chưa về/ Ngừng đập rồi chăng/ Một trái tim đầy nhiệt huyết đam mê/ Trong phòng mổ/ Giữa chiến trường B2/ Trên giảng đường Đại học…./ Tình yêu con người hòa tình yêu đất nước/ xanh biếc một đời cây, dẫu lá đã xa cành” (Xanh biếc một đời cây).
         
Chỉ một chi tiết này thôi, trong “Ngọn lửa Đặng Thùy Trâm”:
          Đất nước bình yên, tiếng súng đã xa rồi
          Quanh Đá Chông xanh mượt màu cây cỏ
          Mà sao máu em Thuận, em Nhiều vẫn như còn thắm đỏ
          Tiếng chị Thùy nấc nghẹn giữa cơn đau

      Lê Cảnh Nhạc đã làm ta xúc động, tự hào và liên tưởng ngay đến “Trái tim Đan-cô” đầy kiêu hãnh luôn toả sáng dẫn đường:
          Trái tim Đặng Thùy Trâm mãi hóa thành bất tử
          Tỏa sáng đường ta những tháng năm này 
                             (Ngọn lửa Đặng Thùy Trâm)

        Nguồn cảm hứng của Lê Cảnh Nhạc trào dậy khi đến với nữ bác sĩ vừa rời ghế trường Y, khoác áo trắng tình nguyện lên vùng cao, cống hiến cả tuổi xuân cho sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân; vị giáo sư - bác sỹ - Bộ trưởng y tế lăn lộn từ chiến trường B2 đến phòng mổ và giảng đường đại học; một Liệt sỹ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm với những trang nhật ký làm xúc động hàng chục triệu trái tim...Và thật gần gũi, một vị Bộ trưởng đương nhiệm từng là người lính, người thương binh sống sót trở về từ máu lửa của chiến trường Quảng Trị, rưng rưng hồi tưởng lại giây phút thiêng liêng trong giờ kết nạp Đảng tại trận: “Thạc ơi, Mão ơi, Sơn ơi…/ Sao đồng đội không về để cùng tôi tuyên thệ/ Đất bốn phía nóng ran, căn hầm trống trải thế/ Bao đứa ra đi cho tôi đứng dưới cờ”(Ngày tôi vào Đảng).

        Những hình ảnh chắt lọc, tiêu biểu qua trang thơ Lê Cảnh Nhạc giúp bạn đọc cảm nhận được rằng: Ngành Y gian khổ lắm, nhiều hy sinh thầm lặng lắm, nhưng ngành Y cũng rất vẻ vang, cán bộ ngành Y rất giàu nhiệt huyết, rất giàu y đức và sự nghiệp ngành y cũng rất giàu chất thơ.

       Sẽ là điều đáng tiếc nếu như không nhắc đến xúc cảm “Trước tượng đài Lãn ông”của Lê Cảnh Nhạc:
          Hồn đá Minh Từ, khe Nước Cạn
          Lãn ông tâm lĩnh vút non ngàn
          Cánh diều sải muôn trùng tiêu hán
          Bạn bầu cùng núi thẳm, kim ô

        Chỉ bốn câu thôi, qua vài nét chấm phá, tượng đài danh y thấm đẫm “hồn của đá”, hồn của đất trời, nơi cánh diều đậu xuống trên đỉnh núi Minh Từ, bên khe suối Nước Cạn trong câu chuyện kỳ thú cuối đời của Hải Thượng lãn ông ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, Lê Cảnh Nhạc đã khắc họa rất rõ nét chân dung vị sư tổ của ngành y, một danh nhân, một bậc thầy lương y tự xưng là “Lãn ông” đã hoá thân vào nhân dân và sông núi. Có lẽ bất cứ người thầy thuốc nào cũng đều phải soi mình vào tấm gương “tâm lĩnh vút non ngàn” ấy để phấn đấu trở thành “từ mẫu” của nhân dân như lời Bác Hồ từng căn dặn.

Những trang văn gắn bó với trẻ thơ

Theo Hồ Sông Hưng, Báo Văn nghệ trẻ

       Một buổi chiều tháng năm. Câu chuyện giữa tôi và Nhà văn Lê Cảnh Nhạc bắt đầu. Con đường nào đã đưa anh đến với những trang văn nghiêng xuống số phận trẻ thơ vậy? Tôi hỏi. Với nụ cười hiền hậu, nhã nhặn, Lê Cảnh Nhạc chậm rãi vào chuyện:
  
  - Tôi quê ở Đức Bồng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh nhưng lại lập nghiệp từ Làng Sen - xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An...

Hồi ấy, sau khi tốt nghiệp khoa Văn học- Lịch sử trường Sư phạm với quyết định về công tác ở Làng Sen, Nhạc phải vượt qua Bến Thủy sang Vinh trong mưa bão, gió giật cấp 12 để về nơi công tác. Tất cả đến với Nhạc đều thiêng liêng, mới mẻ. Từ nếp nhà tranh quê nội Bác Hồ Làng Sen đến quê ngoại Hàng Trù (làng Chùa). Rồi giếng Cốc, núi Chung, lò rèn Cố Điền... đã gây cho Nhạc nhiều xúc động. Nhất là khi Nhạc được chi đoàn giáo viên trường phổ thông cơ sở Kim Liên giao trách nhiệm làm Tổng phụ trách Đội thiếu niên. Nhạc làm quen với các em cùng những hoạt động đầy lãng mạn Hành quân lên núi Chung theo bước chân Bác Hồ, Vươn cao theo cột cờ Tổ Quốc, Tuổi thơ Làng Sen từ trên cánh võng- mơ cuỡi ngựa thần bay theo nắng Hùng Vương. Và cả liên đội háo hức đi tìm Cây tre Làng Sen đẹp nhất. Trong tiếng trống ếch tưng bừng, trong tiếng hò reo của hàng ngàn đội viên “Cây tre đẹp nhất” đã được rước về trường. Cùng với cột cờ Tổ Quốc và truyền thống cách mạng Làng Sen trở thành hình ảnh thiêng liêng đối với các em. Nhạc còn cùng các giáo viên đưa các em lên núi Chung rú Mượt, rú Thành - những nơi ghi dấu tuổi thơ của Bác Hồ, nhặt cuội trằng về lằm nền “Bồn hoa ơn Bác”. Đặc biệt, sau mỗi đợt thi đua, những bông hoa đều là những phần thưởng cao quý cài trê ngực những học sinh xuất sắc. Có những phong trào thật nhạy cảm và cao đẹp như Quả trong trắng mang trái tim đỏ - Món quà nhỏ, nặng nghĩa tình lớn gửi tặng các chú thương bệnh binh ở Quân y Viện 42 hay Mảnh giẻ từ tay em – Sáng thêm nòng súng chú - Đường đan trong khói lửa - Góp chiến công tuổi thơ...

     Giọng Nhạc trầm hẳn xuống như tâm sự:

- Ngày ấy, Nghệ An thiếu gạo lắm... hai mươi hai giáo viên trẻ quây quần bên nhau trong khu nội trú. Sáng dạy ba, bốn tiết, trưa về gắng nuốt mấy củ khoai luộc chấm muối vừng hay ăn với canh bầu, canh cải tự trồng...Có trưa, sau giờ lên lớp tôi về phòng nằm thừ đánh một giấc cho quên đói, quên mệt, chợt thấy trên bàn có bát cơm gạp mới nén chặt và bát canh cá khoai nấu với tép đồng... Không biết bao lần tôi nhận những bát cơm “xiếu mẫu” như thế ! Chị Hương, chị Đức, chị Châu hay thầy Hoàng Nguyên cho con mang đến. Tôi ăn mà ứa nước mắt ra... Những bài báo đầu tiên và động gió, gửi về báo Thiếu niên Tiền phong, báo Tiền phong và Văn nghệ Nghệ Tĩnh...
         
Tôi đã đọc tập truyện Lời ru không bán của anh - Tác phẩm chọn lọc của Nhà xuất bản Kim Đồng nhân kỷ niệm 45 năm dành cho thiếu nhi - gồm 12 truyện. Tôi nghĩ những nhận xét của hàng chục tờ báo đã viết về các tác phẩm của anh là hoàn toàn chính xác. Những câu chuyện anh khai thác là hiện thực của những vùng quê còn nhiều khó khăn gian khổ nhưng tấm lòng nhân ái của mọi người không bao giờ vơi cạn. Cái nhìn, cái quan sát của nhà báo, nhà văn Lê Cảnh Nhạc như hoà vào cái nhìn, cái nhận xét của người cần lao khiến co mỗi câu chuyện vui vừa bình dị vừa sâu sắc. Người đọc dễ thông cảm đồng tình với vấn đề tác gải đặt ra và cách giải quyết vấn đề phần lớn có hậu cứ như những câu chuyện thủ thỉ mẹ kể con nghe hay ông bà kể cho con cháu nghe vậy. Nếu Lâu đài, Lời ru không bán, Tiếng nói người mẹ cầm súng là số phận của những đứa trẻ gắn liền với số phận éo le của từng người mẹ thì Món quà Tết, Người học trò thứ 31, Ánh lửa lại là dấu ấn tình cảm của thời kỳ cắp sách của tình thầy trò, của tình bè bạn đã lắng sâu và luôn được khơi dậy trong cuộc đời mỗi con người. Những Nỗi đau của Đốm, Số phận tuyến khôn hay Những con chim vô tội lại là chuyện những con vật trong quan hệ thường ngày với con người. Nếu tác giả không hiểu biết và quen thuộc với chúng thì không thể tạo được sức cảm hoá, thuyết phục người đọc. Và Con bài cá cược, Giã biệt bụi đờiMảnh vỡ cũng vậy; viết về sự tha hoá của trẻ thơ như không làm cho chúng ta bi quan vì tác giả đã đặt ra sức đấu tranh giữa cái ác với điều thiện trong mỗi bản thân con người cùng với sức đấu tranh của cả gia đình, nhà trường và xã hội....
Tôi được biết trước đây Thư viện Hà Nội đã có buổi giới thiệu tập ký Mầm ác và hướng thiện của anh qua dư luận báo chí. Xin trích dẫn câu kết của một tờ báo đã nêu: “Chuyện văn chương nghệ thuật không phải lúc nào cũng đòi hỏi như là điều kiện để đánh giá một cuốn sách. Nhưng chuyện tình người, tình đời, tình mẫu tử... thì cuốn sách có cả và thiết tưởng chỉ riêng điều đó mầm ác và hướng thiện đã rất đáng được cổ vũ, nhất là với những người làm công tác “trông người”. Đến nay, anh đã được nhiều giải thưởng đáng kể: Giải thưởng sáng tác văn học của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô (cũ) năm 1988; giải thưởng cuộc thi sáng tác văn học cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn 1991; giải thưởng sáng tác thơ văn về Quyền trẻ em của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và RaddaBarnen năm 1992; giải thưởng báo chí  Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 1991 và giải thưởng báo chí toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam 1995. Hiện nay anh đã là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và là Tổng biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em.... Anh có thể cho biết những nguyên nhân dẫn đến những thành tựu của cả văn chương và báo chí của anh được không ?

          Sau giây phút trầm tư, lại vẫn là nụ cười hiền hậu và giọng nói nhẹ nhàng, khiêm tốn của Nhạc.

- Nơi chôn rau cắt rốn của tôi là vùng đất học. Tôi chịu ảnh hưởng giáo dục của cha tôi là một nhà giáo lớn lên lại may mắn được lập nghiệp ở Làng Sen- quê Bác...

Tuy Nhạc không kể nhiều nhưng tôi hiểu, là một đảng viên của mảnh đất “Nghệ Tĩnh đó”  Nhạc luôn cố gắng rèn luyện sống xứng đáng với truyền thống quê hương. May mắn hơn, Nhạc được đào tạo chính quy: cả chuyên môn tâm lý học, lý luận chính trị cũng như ngoại ngữ và cả báo chí. Có lẽ cơ bản Nhạc vừa là người thầy vừa là bạn của các em nên đã có một số vốn sống nào đó để thực hiện “trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân” của mình. Cũng phải nói thêm một điều không kém phần quan trọng là môi trường công tác và tình đồng nghiệp là chất keo gắn bó Nhạc với mảnh đất “Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em”; đồng thời cũng thôi thúc Nhạc trong sáng tạo văn học và báo chí....

         Xin được nói thêm Lá chắn trước hiểm hoạ ma tuý là tập sách tập hợp chủ yếu từ những bài viết trên Tạp chí Gia đình và Trẻ em và các báo, tạp chí khác do Lê Cảnh Nhạc chủ biên và Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em vừa xuất bản (Quý 2-2003) là một sáng kiến tập hợp những thông tin phục vụ công tác tuyên truyền phòng chống ma tuý của Đảng và Nhà nước, góp tiếng nói tích cực để Việt Nam trở thành đất nước an toàn lành mạnh... Xin chúc mừng sự nhạy cảm của nhà văn, nhà báo Lê Cảnh Nhạc. Tôi cho là sự nhạy cảm của nhà văn, nhà báo đều cần thiết như nhau - Chỉ có cách thể hiện là khác nhau...

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Câu chuyện Hoa hậu của nhà thơ giám khảo


Theo Nhà thơ Mai Nam Thắng, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân, số Tết Tân Mão 2011

Hương sắc Việt Nam
 Tặng Hoa hậu Thế giới người Việt 2010

Sắc biển xanh màu xanh đại dương
Khát vọng triều dâng hòa chung biển lớn
Hương sen ngàn đời dịu dàng nồng thắm
Lắng thơm hồn đất Việt sáng đài hoa

Từ Hà Nội đến Maxcơva
Thành phố Hồ Chí Minh đến Luân đôn sương trắng
Những cánh sen kiêu sa tỏa nắng
Hội tụ về thơm sóng nước Vinpearl

Sắc biển-Hương sen-Trí tuệ Việt Nam
Vành nón trắng tà áo dài trinh trắng
Tâm hồn Việt Nam bao dung nồng ấm
Gửi trao em - Hoa hậu của muôn nhà
                         Lê Cảnh Nhạc

PV- Cùng một bài thơ nhưng mỗi bạn đọc có cách cảm nhận riêng và đôi khi không trùng với “thông điệp” của tác giả. Vậy qua bài thơ “Hương sắc Việt Nam” nhà thơ Lê Cảnh Nhạc muốn gửi gắm điều gì?

TS. Lê Cảnh Nhạc  - Khát vọng hội nhập thế giới luôn quyện lẫn mong ước giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cái đẹp được chưng cất từ “Hương sắc Việt Nam”  thanh cao, tinh khiết, tỏa đi khắp năm châu bốn biển nay được hội tụ về trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt. Khát vọng Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, mà biểu  tượng là sắc biển, hương sen, đã gửi gắm vào cái đẹp được tôn vinh thông qua hình ảnh chiếc vương miện Hoa hậu trong cuộc hội tụ sắc đẹp mang tính toàn cầu đầy ý nghĩa của người Việt. Đó là điều tôi muốn gửi gắm qua những vần thơ này.  

PV- Bài thơ ra đời khi nào và trong hoàn cảnh nào? Anh có thể nói kỹ hơn một chút về quá trình sáng tác bài thơ này? Lần đầu nó được đăng ở báo nào?

TS. Lê Cảnh Nhạc - Bài thơ “Hương sắc Việt Nam” được viết từ xúc cảm về Cuộc thi “Hoa hậu thế giới người Việt 2010”. Tại một cuộc họp giữa Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt (tháng7/2010), sau khi anh Phạm Nhật Vượng- Chủ tịch Tập đoàn VINGROUP- thay mặt Ban chỉ đạo Cuộc thi chốt hạ Chủ đề “Sắc biển, Hương sen, Tâm hồn Việt”, tôi vô cùng hứng khởi. Truyền thống và hiện đại. Hội nhập và giữ gìn bản sắc dân tộc. Đó là tinh thần của Cuộc thi. Các vòng sơ kết, bán kết đã được tổ chức thành công ở Mascơva, London, Balan và Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Những người đẹp Việt Nam dù ở Liên bang Nga, Nhật Bản, Đức, Tiệp khắc, Thụy điển hay Hoa kỳ… được chọn vào vòng chung khảo đều toát lên vẻ đẹp tâm hồn Việt Nam, vừa đằm thắm vừa kiêu sa, vừa dịu dàng truyền thống Á đông, vừa lấp lánh trí tuệ của văn minh hội nhập. Các em đều được sinh ra và lớn lên trong vòng tay của cha mẹ, ông bà, dù ở xa Tổ quốc nhưng lòng vẫn luôn luôn hướng về quê cha đất tổ. Các em được vun đắp tình yêu quê hương đất nước và được giáo dục những phẩm hạnh truyền thống của  người con gái Việt Nam. Điều đó thật đáng trân trọng. Bài thơ “Hương sắc Việt Nam” lần đầu tiên được công bố trên báo điện tử Giadinh.net.vn và Báo Gia đình và Xã hội, rồi lan sang một số tờ báo mạng khác ngay trong thời gian diễn ra vòng Chung kết Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt tại Vinpearl Land (Nha Trang). Sau đó bài thơ được đăng lại trên Báo An Ninh Thế giới, khi Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt vừa kết thúc thành công. Một buổi sáng, khi tôi đang ở Vinpearl Land, tác giả của bài hát “Tình cây và đất”- nhạc sĩ Tuấn Phương ở Đài Truyền hình Việt Nam gọi vào báo tin: “Tớ bắt được giai điệu cho ca khúc “Hương sắc Việt Nam” rồi. Tiếc là không kịp phối khí, dàn dựng cho Chung kết Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt lần này”…    

PV- Được biết tại cuộc thi “Hoa hậu thế giới người Việt” 2010, anh được mời làm trưởng Ban giám khảo. Vì sao BTC lại chọn anh làm trưởng BGK?

TS. Lê Cảnh Nhạc - Có lẽ điều này phải hỏi Ban tổ chức và Ban chỉ đạo cuộc thi thì mới đúng. Trước khi Cuộc thi diễn ra khoảng 5 tháng, một hôm anh Phạm Nhật Vượng gọi điện cho tôi hỏi: “Ban tổ chức Hoa hậu thế giới người Việt 2010 mời anh làm Trưởng ban giám khảo, anh có nhận lời không?”. Tôi thoáng chút ngỡ ngàng, vì chưa tham gia làm Giám khảo cuộc thi sắc đẹp nào, mặc dù có tham gia các hoạt động xã hội và thỉnh thoảng làm khách mời của một số chương trình truyền hình. Nhưng ngay sau đó tôi nhận lời ngay. Lý giải tại sao lại chọn tôi làm Trưởng ban giám khảo có lẽ cũng không khó. Một khi công tác tổ chức được chuẩn bị công phu kỹ lưỡng đến từng chi tiết, cách tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, nhà tổ chức cuộc thi sắc đẹp không vụ lợi mà chỉ vì mục đích tôn vinh cái đẹp, vì sự quảng bá cho hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thì ai là người được chọn làm Giám khảo cuộc thi cũng phải dốc hết tâm lực của mình vì giá trị của cái đẹp đich thực. Công tác tổ chức tốt thì làm Giám khảo “cực dễ”. Còn công tác tổ chức “có vấn đề” thì làm giám khảo “cực khó”. Với Cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt thì nếu mời anh  hay mời bất kỳ ai tham gia Giám khảo cũng đều có thể làm tốt được, miễn là anh biết cảm nhận cái đẹp đích thực; biết tôn trọng quy chế, luật lệ  của Hội đồng Giám khảo; biết đánh giá công tâm; biết đặt tiêu chí cái đẹp của hàng triệu công chúng lên trên tiêu chí cái đẹp cảm quan của cá nhân mình…Để làm điều này thì hàng trăm người có đủ tiêu chuẩn, đúng không nào? Đâu cần cứ phải là “siêu sao” hay “người nổi tiếng”, “người của công chúng” mới xứng đáng làm việc này. Bản thân cuộc thi được tổ chức tốt đã nổi tiếng rồi, cần gì  phải  tìm cho được “người nổi tiếng” để “đánh bóng thương hiệu” cho cuộc thi. Vì vậy Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt 2010 có thể chọn tôi mà cũng có thể chọn hàng trăm người khác, điều đó không có gì là khó hiểu
   
PV- Trong 3 “nhà” là nhà thơ, nhà báo (mà lại là TBT) và nhà giáo dục học (tiến sĩ GDH), theo anh thì “nhà” nào hợp với việc tuyển chọn người đẹp nhất?

TS. Lê Cảnh Nhạc - Cả ba tố chất đó đều hỗ trợ cho nhau, và đều cần đến, đều hợp với việc tuyển chọn người đẹp nếu nó là những tố chất đích thực. Nhưng nó sẽ chẳng có ích gì, thậm chí là tai hại nếu chỉ là những hư danh hão huyền. Tôi nghĩ, chức tước, nghề nghiệp, học vị, thậm chí là uy danh… nhiều khi chưa nói được gì nhiều về tố chất con người, dù chỉ là khả năng đáp ứng yêu cầu trong tuyển chọn người đẹp hay trong các hoạt động xã hội khác. Chính hành vi ứng xử, phản xạ trước các tình huống cuộc sống, cách lý giải và xử trí những mâu thuẩn thực tiễn đặt ra trong công việc hàng ngày mới cho ta kết quả về tố chất của con người đó có đáp ứng được yêu cầu mà chúng ta kỳ vọng hay không.  

PV- Trong cuộc thi HHTGNV mà anh được mời làm trưởng BGK, có sự việc, câu chuyện hoặc kỷ niệm nào là ấn tượng sâu sắc nhất đối với anh?

TS. Lê Cảnh Nhạc - Có một điều cá nhân tôi cảm thấy rất  tiếc nuối nhưng không thể vượt qua được, đó là trong số 42 thí sinh được tuyển chọn vào vòng Chung kết Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt, tôi rất có cảm tình với thí sinh mang số báo danh 979 đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Em đang học năm thứ hai Đại học Thương mại. Kiểm tra về giao tiếp, ứng xử, em đều thể hiện sự nhạy cảm, tinh tế và lộ rõ tư chất thông minh. Em có gương mặt đoan trang, đôn hậu. Cả gương mặt toát lên nét đẹp khả ái, thánh thiện. Sống mũi cao thanh tú, đẹp đến mức có người đã chuyển thông tin lên Ban Giám khảo là em đã từng phẩu thuật thẩm mỹ mũi. Chúng tôi phải gọi em lên kiểm tra. Sau khi kiểm tra kỹ, cô Diệu Linh- bác sĩ phẩu thuật tạo hình- khẳng định 100% là tạo hóa đã cho em cái mũi đẹp như vậy mà không cần đến sự can thiệp của dao kéo. Không chỉ có tôi mà cả nhà thơ Hồng Thanh Quang, cựu Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa và NSND- Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Phạm Anh Phương đều có cảm nhận chung về vẻ đẹp của em. Thế nhưng em không vào được tốp 15 vì có những hạn chế về các chỉ số nhân trắc học theo tiêu chí chung của cuộc thi người đẹp

PV- Nhiều người kêu là ở nước ta đang “loạn” thi người đẹp. Theo anh có “loạn” thật không và nếu có thì nên “vãn hồi” thế nào?

TS. Lê Cảnh Nhạc - Tôi không hề phản đối về việc tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp. Càng có nhiều cuộc thi, cái đẹp càng được tôn vinh, trân trọng. Dù là Hoa hậu quốc gia, Hoa hậu quốc tế hay Hoa hậu thời trang, Hoa hậu quý bà, Hoa hậu nữ doanh nhân, thậm chí là Hoa hậu những người nhiễm HIV/AIDS… Tất cả đều đáng trân trọng. Cái “loạn” thực sự hiện nay là một số cuộc thi không lấy cái đẹp làm tiêu chí hàng đầu, thiếu tôn trọng công chúng, mà lợi dụng thương hiệu các cuộc thi sắc đẹp để đánh bóng thương hiệu cho mình, vì mục đích cá nhân hay vụ lợi cho đơn vị mình, dẫn đến việc tổ chức lùm xùm, thiếu công tâm, minh bạch, thậm chí dẫn đến kiện cáo, xì căng đan làm mất uy tín cho cuộc thi. Theo tôi, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cần có tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức các cuộc thi sắc đẹp và hàng năm thẩm định, rà soát cụ thể, chi tiết về kết quả, chất lượng các cuộc thi sắc đẹp. Kiên quyết không tiếp tục cấp giấy phép cho cuộc thi nào tổ chức thiếu chất lượng, có nhiều dư luận không tốt. Tên gọi mỗi cuộc thi cũng cần phản ánh đúng bản chất và vị thế, tầm vóc của cuộc thi đó. Đừng lấy tên “phường” đặt tên cho “thành phố”… 

PV- Người ta vẫn thường kêu ca người đẹp nước mình thường hạn chế về tri thức và cách ứng xử, thậm chí đôi khi là cả đạo đức phẩm hạnh nữa? Theo anh có đúng không? Người đẹp trên thế giới có tình trạng đó không?

TS. Lê Cảnh Nhạc - Xin đừng nhầm lẫn cuộc thi Hoa hậu với cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”. Điều quan trọng nhất là tìm ra người đẹp. Đẹp về hình thể và đẹp về tâm hồn. Tôi tin rằng, mỗi khi cái đẹp được tôn vinh, giá trị cái đẹp sẽ cộng hưởng để người đẹp vươn lên chiếm lĩnh các giá trị cao hơn trong cuộc sống. Các em mới 19 – 20 tuổi, sao chúng ta lại đòi hỏi các em phải có tầm tri thức cao được. Trong tiêu chí tìm cái đẹp về tâm hồn bên cạnh cái đẹp về hình thể, chúng tôi quan tâm đến tư duy, lập luận, tính nhân văn và ý thức trách nhiệm cá nhân trước xã hội. Điều đó toát lên trong phản xạ ứng xử trước những vấn đề, những sự kiện của cuộc sống.
Còn nói về những hạn chế trong cách ứng xử và thậm chí là cả đạo đức phẩm hạnh nữa, người có gương mặt và thể hình đẹp cũng như nhiều người bình thường khác mà thôi, cũng có nhiều người chỉ tốt nước sơn mà không tốt gỗ. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng có nhiều chuyện đáng bàn về vấn đề này. Các nhà tổ chức cuộc thi sắc đẹp có tên Hoa hậu Bia ở Saaz, CH Czech đã hủy bỏ kết quả cuộc thi này sau khi phát hiện người chiến thắng Jana Kaderavkova từng là ngôi sao khiêu dâm. Những bức ảnh “hot” của Sofia Rudieva làm nóng lên dư luận tẩy chay ngôi vị Hoa hậu Nga 2009 mà người đẹp này giành được. Maria Venus Raj, Hoa hậu hoàn vũ của Philippines năm 2010, đã bị tước vương miện và mất quyền tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2010 sau khi ban tổ chức cuộc thi phát hiện ra điểm gian dối trong hồ sơ của cô…Còn ở Việt Nam cho đến nay chưa có Hoa hậu nào bị tước vương miện cả. Đó thực sự là điều đáng mừng.

PV- Nhà thơ, nhà báo, tiến sĩ Giáo dục học Lê Cảnh Nhạc có thể lý giải một thực tế hơi buồn cho đàn ông Việt Nam là tại sao các hoa hậu, á hậu nước ta lại thường lấy… chồng Việt kiều hoặc người nước ngoài?

TS. Lê Cảnh Nhạc - Câu hỏi này quả thật là hơi “hóc”. Nhưng tôi nghĩ, một số Hoa hậu hay Á hậu của ta lấy chồng Việt kiều hoặc người nước ngoài không phải vì họ chạy theo cuộc sống phồn hoa đâu. Suy diễn thế là thiếu công bằng. Tôi nghĩ như thế này nhé: Tiêu chuẩn tuyển chọn các Hoa hậu, Á hậu của chúng ta đang được Ban tổ chức các cuộc thi sắc đẹp vận dụng tiêu chí về nhân trắc học của người đẹp thế giới, đặc biệt là chiều cao. Người đẹp có chiều cao dưới 1,7 mét là Ban giám khảo băn khoăn rồi. Nhỡ “mang chuông đi đánh đất người”, tham dự cuộc thi Hoa hậu thế giới, người đẹp Việt Nam lùn tịt trước dàn người đẹp chân dài các nước coi sao được. Vậy nên Hoa hậu của ta nhiều người cao đến 1,73 mét, 1,75 mét…Mà đã là Hoa hậu thì “có giá” lắm, đúng không nào. Đã “cao giá” thì đấng quân phu cũng phải tương xứng (trai tài gái sắc mà lị). Khổ nỗi ở Việt Nam ta nhiều người tài lại bị hạn chế chiều cao. Còn người vừa tài vừa cao thì không phải khi nào cũng dễ gặp. Ca dao lại mai mỉa rằng “bây giờ chồng thấp vợ cao, như đôi đũa lệch so sao cho vừa”. Chẳng lẽ Hoa hậu lại sánh đôi với đấng quân phu “thấp hơn một cáí đầu” hay sao? Vậy là các Hoa hậu của ta phải xuất ngoại. Nếu là Việt kiều đi nữa thì ăn cơm Tây cũng dễ cao lớn hơn ăn cơm ta. Tôi hy vọng rằng, ít lâu nữa chất lượng dân số nước ta được cải thiện, đàn ông Việt Nam ta sẽ đủ chiều cao để tất cả các Hoa hậu Việt Nam không phải băn khoăn tìm đường xuất ngoại

PV- Xin cảm ơn Nhà thơ - Nhà báo - Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc.