Theo Chu Thị Thơm: Đọc “Không bao giờ trăng khuyết” - Tập thơ của
Lê Cảnh Nhạc - NXB Hội Nhà văn - 2010
Từ “Trăng không mùa” đến “ Không bao giờ
trăng khuyết”, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc-đã luôn đi từ thế giới thật về cõi ảo, miên
man ký ức. Từ ký ức, với ảo hình chập chờn sương khói, của hiển linh từ trong
tâm thức-thế giới của yêu thương hiển hiện ập về… Mùa trăng trong thơ Lê Cảnh
Nhạc là mùa trăng của tình yêu và mộng mơ-mùa trăng của những điều khôn tả
trong các cung bậc yêu thương cần sẻ chia ở cuộc đời. Ảo ảnh-mơ hồ trong cõi
thực hư-khi anh đẩy hình tượng thơ về cõi thực–để chạm vào cái tình của đời-của
người thơ-đó là tất cả những gì được thể hiện trong tập thơ. Nhất là thủ pháp
nghệ thuật ấy được thể hiện rất rõ khi anh viết về tình yêu, về một nửa thế
giới yêu thương không chỉ của riêng mình.
Để lý giải, cắt nghĩa cho một nguyên cớ
yêu thương, Lê Cảnh Nhạc thường cho rằng trong biển trời bao la của vũ trụ, có
nơi trú ẩn cho lòng trắc ẩn, yêu thương tròn trịa của con người. Tình yêu
thường xuất hiện sau sự hóa giải của hờn ghen, giận dữ và âu lo, phiền muộn.
Và, có 101 lý do để nhà thơ có thể cho ra đời những câu chữ đẹp, ấy là khi
khuông nhạc tình yêu cất tiếng nói không lời.
Tôi nhận ra nhân vật “em” xuất hiện và trở
đi trở lại trong tác phẩm của anh, như một nỗi nhớ, như một ký ức và tình yêu
thực sự động rung khôn tả. Thi sĩ ảo hóa tình yêu bằng hình tượng cụ thể, lạ và
mới như thế này:
... “Giọt tim rỏ xuống
Hạt mầm nhú lên
............
Dồn sâu cắm đất
Rưng rưng cành lộc
Trổ đầy giọt tim...”
( Giọt tim)
Giọt tim, giọt đời, mầm sống, mùa xuân...? Là một nhưng cũng là
tất cả. Thật nhưng cũng ảo quá. Mơ hồ tựa như ảo ảnh, nhưng cũng rờ rỡ, hiển
hiện và rưng rưng. Trong bức tranh tinh khôi để cho chồi non bật mở ấy, có bóng
đêm và ánh ngày thu lại tiếng gọi “ em” tha thiết-đủ để cho tứ thơ mở và đi xa
hơn. Cảm xúc dâng lên, trong chúng ta có những “giọt tim” bồi hồi, nhung nhớ và
da diết, yêu thương.
Còn đây là dạ khúc yêu thương, cũng được ánh trăng minh chứng. Bài
thơ “Dạ khúc” có tứ lạ, ngân nga tựa khúc đồng dao. Cả bài thơ là khúc nhạc
trải dài, miên man về miền xa vắng, qua lời an ủi và tự an ủi vỗ về cảm xúc yêu
thương sâu lắng của con người. Nhịp thơ sâu lắng, ám ảnh bởi những điều nhà thơ
trải lòng, hầu như xuất hiện ít nhiều đâu đó trong mỗi chúng ta trong đời:
Thôi nào đừng đớn đau
Với những lời giã biệt
Thôi nào đừng vô tình
Với cỏ ngày xanh biếc
Đã qua bao nuối tiếc
Còn đây lời cỏ cây
Còn đây lời xanh thắm
Hát với em đêm ngày...
...
Tứ thơ tiếp tục mở ra một không gian cảm xúc, tha thiết và sâu
lắng. Nhịp điệu thơ như những khuông nhạc trong sự bâng khuâng, có chút gì như nghẹn
ngào, nuối tiếc…
Hình như cứ mỗi khi chạm vào nỗi buồn, tứ
thơ của thi sĩ lại chạm vào sự nhung nhớ, nuối tiếc, có gì đó rưng rưng… Nhưng
có một sự thật không thể phủ nhận là nỗi buồn-nếu có-trong anh cũng hết sức
trong trẻo, tinh khôi và nhân ái. Điều đó đã chi phối mạch thơ trong suốt quá
trình sáng tác của anh.
Lê Cảnh Nhạc là người hòa vào không gian
thơ một cách tự nhiên, bình dị và dịu êm. Nhẹ nhàng, có lúc tưởng như mơ hồ,
không thể-nhưng người đọc nhận ra đi qua làn sương khói ảo mờ của ký ức và kỷ
niệm ấy, thấp thoáng những hình ảnh khó quên. Đó là vệt rừng bên suối, đỉnh đèo
đầy mây trắng, cô gái Thái với điệu múa và ánh mắt hút hồn người… Trong một
khoảnh khắc bất chợt ở triền non xa, thi sĩ đã say. Bốn bề vầng trăng lảo đảo.
Núi đồi né đường cho vầng trăng qua, mây dạt vào cõi để trăng về… Nhưng hơn cả
là bốn bề, nhịp múa và chiếc váy xòe cùng nhan sắc thiếu nữ đã đôi lúc khiến
nhà thơ tưởng như không… thể tỉnh lại được.
Những câu thơ-vì thế cũng lảo đảo theo nhịp sóng mắt và cảm xúc
trào dâng của thi sĩ:
…Trăng lướt khướt ngang đồi
Bóng cây chừng chao đảo
Đất trời nhòa hư ảo
Vòng xòe em chuốc say
Say rượu hay say tình? Có lẽ cả hai. Tôi
rất thích những câu thơ dễ mà khó phân định như vậy. Và, chính vì thế, đây là
hệ quả tất yếu-là sự biến đổi của một vế đối đẹp-trong cảm thức và hiện thực,
giữa tỉnh và mơ. Đây là phút phiêu diêu đẹp-lãng mạn của thi sĩ:
Anh thành tro của đá
Anh thành tàn của cây
Hồn anh thành mây khói
Hoang trời đêm Phiêng Lơi
(Đêm Phiêng Lơi)
Đọc những bài thơ Lê Cảnh Nhạc viết trong 2 tập thơ (“Khúc giao mùa” và
“Không bao giờ trăng khuyết”) - ta sẽ nhận ra, dẫu có để hồn phiêu diêu đâu đó,
viết về đề tài gì đi chăng nữa, nhưng hễ cứ chạm vào một bóng hồng - những câu
thơ của anh lại như được một lần nữa “thăng” lên cùng tác giả. Đẹp, dịu dàng,
trìu mến và đầy yêu thương nhưng cũng đầy trắc ẩn - đó là khi anh viết về những
người phụ nữ đã đi qua cuộc đời mình. Ta không nên suy diễn và thô thiển khi
gắn và áp đặt với một nhân vật cụ thể trong thơ anh. Hình bóng những người phụ
nữ lặng lẽ hay ồn ào –vẫn là những người phụ nữ khi thì tất tả mưu sinh, khi
thì hờn ghen nóng lạnh, khi thì gần gũi, lúc thì xa xôi…Thậm chí-khi họ tưởng
như có thật-nhưng ngẫm lại-họ cũng chỉ là một ảo ảnh được biết đến như một giấc
mơ…
Tình yêu với những cung bậc của cảm xúc đã
theo nhà thơ vào từng trang viết-qua thời gian và không gian.
Anh đối thoại và độc thoại với tình yêu.
Đôi khi thi sĩ miên man lý giải cho một cuộc tình mơ hồ trong sương khói. Lúc
thì viện dẫn cho một quy luật buồn của một tình yêu trắc ẩn. Khó để đoán định
và chỉ rõ cho một điều gì cụ thể trong thơ anh. Niềm thương và sự trìu mến thì
cụ thể khi anh viết cho những người phụ nữ mình yêu thương. Sự dằn vặt và ưu tư
khi anh nhận ra trong cuộc đời này, vẫn còn nhiều lắm những bóng hình chập chờn
của một nửa thế giới với những số phận buồn.
Không nên cụ thể và chi tiết hóa những
hình tượng thơ mang bóng dáng phụ nữ trong tập thơ này. Nhưng chính nhưng cảm
xúc mơ hồ mà rõ rệt ấy đã tạo thành chất xúc tác cho thơ, buộc thơ chắp cánh. Có một phút giây “lửa cháy bất ngờ/ một đời thiêu đốt câu thơ say nồng” để cuối
cùng, thi sĩ “tan chảy tựa dòng sông/tràn
bờ em, giữa cánh đồng cỏ may”. Cánh đồng cỏ may yêu thương và giây phút
chạm lửa tình . Chỉ hai yếu tố đó cũng đủ đốt cháy câu thơ, và làm tan chảy
trái tim thi sĩ.
Lê Cảnh Nhạc là người hay cả nghĩ. Sau gặp
gỡ là trở trăn, nhung nhớ. Một bóng hồng đi qua ký ức mà anh bất chợt gặp đâu
đó trên đường cũng khiến anh ngậm ngùi, man mác. Và, hình bóng mơ hồ ấy đã
“vận” vào thơ anh như một ảo ảnh có thật trong đời:
…Dẫu biết rằng hoa chẳng nở
ngày đông
Dẫu biết rằng sông chẳng về
phía núi
Dẫu biết thời gian chẳng thể
nào trở lại
Để đôi mươi vấn vít cánh sâm
cầm
(Nhớ và khát)
Thì ra thi sĩ khát cơn mưa xối xả và nhớ
men rượu cần cũng chỉ là cái cớ để đẩy cơn say vào cõi ảo. Ở chốn mông lung ấy,
hình bóng và ảo ảnh xưa sẽ hiển hiện trở về.
Còn đây là một dạ khúc của yêu thương,
được viết nên bởi một tâm trạng phiêu du nhưng trầm lắng, giữa cõi mông lung và
gần như trọc trụi trong đời. Bài thơ có tên là “ Độc mộc tình”. Cả bài thơ là
lời tạ tình cho một sự tri ân, cho một tình yêu và bóng hình. Nỗi buồn man mác
lan xa, hơn cả khúc “độc mộc tình” trên dòng đời trôi chảy. Tứ lạ, hình ảnh lạ,
với nhiều cung bậc cảm xúc đan chen, nối tiếp hiện tại và quá khứ. Khúc đồng
dao độc mộc tình ấy, vì thế buông neo vào lòng người, ám ảnh và khó diễn tả về
sự cụ thể:
…Không còn chốn mơ/ Phút
giây tan chảy/ Tiếng rừng thức dậy/ Giao hòa mây mưa/ Thác trắng trào xô/ Liễu
đầm ướt tóc/ Thuyền tình độc mộc/Rẽ nguồn hoang ngây…
Còn lần này, thi sĩ đi trong mênh mang
luyênh loang của ánh trăng. Nhưng thi sĩ cũng thấy giữa biển trăng mộng ảo ấy
đã ghi nhận một bóng hình bất chợt đi qua cuộc đời. Câu thơ nửa như tiếc nuối,
nửa như hờn tủi, tự trách mình:
…giá đừng sáng quá trăng ơi
Để không lỗi hẹn một đời đợi
em…
(Trăng)
Trong tập thơ, có rất nhiều lần ánh
trăng buông và bủa vây thi sĩ, đẩy tứ
thơ từ thực tại trở về ký ức, với đầy vơi kỷ niệm, với cả những điều khát vọng
thấp thỏm trong tương lai. Ánh trăng lướt khướt trên đỉnh Phiêng Lơi, trăng ùa
vào sương khói tình yêu ở bến bờ sông Ngân, trăng đẩy tứ thơ treo cao trong dạ
khúc, nhưng trăng sẽ không bao giờ khuyết thiếu trong tâm thức nhà thơ và những
người đang yêu và sẽ yêu.
Thông điệp muôn đời của thơ ca - đó là
nàng thơ luôn được chắp cánh và ký thác nỗi niềm của thi sĩ bởi vẻ huyền diệu
của trăng và của vẻ đẹp lấp lánh trong cuộc đời.
Không chỉ có mộng ảo, hay khát vọng, dịu
dàng, yêu thương… Cuộc sống vẫn còn những cuộc đời và thân phận tình yêu khiến
những vần thơ của thi sĩ như những khuông nhạc trầm, man mác, xa xăm...
Đi từ ngã ba sông dòng đời tuôn chảy, thi
sĩ như người nhập thế - khi nhận ra trước mắt mình là dòng linh cảm, với trong
đục. Nơi cội nguồn của cảm xúc, cũng là nơi tình yêu không thể hai dòng. Dẫu đó
là “nơi hóa thân là nơi gửi linh hồn/dù
đang trôi trên dòng định mệnh”, thì“dòng
tình yêu/mải miết/theo cuộc đời/ từ ngã ba sông (Ngã ba sông).
Có lẽ ở ngã ba sông đời kia, vầng trăng
trong thơ anh không bao giờ khuyết. Bởi những câu thơ xuôi về bến trăng, qua
đôi bờ dậy sóng của dòng sông đời tuôn chảy, đã neo về bến cũ. Ở đó, tất cả
cùng rẽ sóng, ra tới biển mặn mòi.
Điều đó lý giải vì sao, ngoài tình yêu, gần 1/3
số bài trong tập thơ viết về quê hương, đất nước, người thân…trong tập thơ này
đều đưa người đọc tới một sự tròn trịa đủ đầy của vầng trăng cảm xúc. Thế giới
thật và ảo mộng. Nơi ấy, tình yêu, nỗi nhớ, sự tri ân, vị tha… được tôn vinh và
khắc ghi, như hai vế đối lập mà hòa quyện: thơ ca và cuộc đời. Vì thế, ở tập
thơ này, lần thứ hai, Lê Cảnh Nhạc đã thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét