Theo Bình Nguyên Trang, Báo An ninh Thế
giới, ngày 20/08/2010
Lê Cảnh Nhạc được biết đến như một nhà
thơ. Nhưng thực ra anh hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực. Anh viết văn xuôi thậm
chí còn nhiều hơn thơ và truyện cho thiếu nhi của anh rất được các em nhỏ yêu
thích. Tuy nhiên, Lê Cảnh Nhạc thừa nhận, thơ vẫn là một "người tình"
cho anh nhiều men say nồng nhất, ám ảnh nhất, cho dù người tình ấy nhiều khi
cũng đỏng đảnh, bất thường và làm khổ anh nhiều lắm.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Hà Tĩnh,
mảnh đất địa linh nhân kiệt, Lê Cảnh Nhạc đến với văn học như một điều gì hết
sức tự nhiên. Người thầy đầu tiên đưa anh đến với sách và niềm đam mê sách
chính là người cha của anh, một nhà giáo.
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc tại "Ngày thơ Việt Nam"
ở quê hương Nguyễn Du, Hà Tĩnh.
ở quê hương Nguyễn Du, Hà Tĩnh.
Nhớ về cha, Lê Cảnh Nhạc tâm sự:
"Thuở tôi còn nhỏ, mỗi ngày cha tôi viết lên xà nhà một câu danh ngôn và
bắt tôi học thuộc để cụ kiểm tra. Nhờ vậy mà rất nhiều câu nói hay của các bậc
tiền nhân tôi thuộc nằm lòng đến bây giờ. Những câu danh ngôn thực ra cũng
chính là những bài học cuộc sống mà mỗi khi gặp một hoàn cảnh khó khăn nào đó
mình có thể lấy nó ra để tự răn mình". Sách dường như là một món ăn tinh
thần không bao giờ thiếu với Lê Cảnh Nhạc. Nó mở ra cho anh những chân trời và
khơi gợi tình yêu cuộc sống, trí tưởng tượng. Niềm yêu thích văn chương cũng từ
đấy mà ra.
Lê Cảnh Nhạc có cậu ruột là nhà văn Lương
Sỹ Cầm, một nhà văn trong lực lượng Công an nhân dân. Bài học viết văn đầu tiên
trong cuộc đời Lê Cảnh Nhạc nhận được chính là từ người cậu nhà văn nổi tiếng
khó tính này. "Khi tôi còn nhỏ, mùa hè cậu tôi về thăm quê, tôi len lén
mang cho cậu mấy bài thơ mình viết để cậu đọc và góp ý. Khi đọc xong, cậu nhận
xét "tác phẩm" của tôi với những câu làm tôi, khi đó vẫn là một đứa
trẻ, cảm thấy rất buồn.
Nhưng trước khi đi, cậu gọi tôi lại và
dặn: "Ở đời, người ta khen thì mình phải cảnh giác, còn khi người ta chê
thì lắng tai mà nghe, cháu ạ". Sau này lớn lên, từng trải việc đời, việc
văn chương, Lê Cảnh Nhạc mới thấm thía lời dạy của cậu mình. Anh xem viết là
một công việc âm thầm, lặng lẽ. Nói đúng hơn nó là một công việc để tu thân.
Anh tâm đắc với quan niệm của nhà thơ Tố Hữu: "Thơ là tiếng lòng".
Người ta chỉ thực sự có thơ hay khi sống
thật với lòng mình. Mặc dù không dị ứng với những tìm tòi, cách tân của các nhà
thơ trẻ hiện nay, nhưng Lê Cảnh Nhạc khẳng định, anh thà viết "cũ" mà
đi vào trái tim bạn đọc còn hơn là đổi mới để tắc tị, để đánh đố độc giả.
Thơ, với anh đơn giản là sự sẻ chia, sự
giao cảm giữa người viết và người đọc. Thiếu sợi dây gắn bó ấy, thơ không còn
là chính nó nữa. Trữ tình, sâu lắng, giản dị, ấm áp là những phẩm chất thơ của
Lê Cảnh Nhạc. Anh đặc biệt ít sử dụng các mỹ từ cũng như chối bỏ những gì thuộc
về sự ồn ào, khoa trương. Thơ Lê Cảnh Nhạc không phải thứ thơ "bắt
mắt".
Nó thậm chí còn có vẻ nhàm chán với những
ai ưa sự đọc ồn ào. Nó là thứ rượu uống từ từ, ngấm lâu và khi đã làm người ta
say thì cũng là cái say rất sâu, rất ngọt. Có một sự đồng nhất giữa con người
và thơ của Lê Cảnh Nhạc, là sự chân thành đến cảm động. Anh viết như một sự trải
lòng. Không cầu kỳ trong tìm kiếm đề tài, thơ anh là những khúc hát về tình yêu
lứa đôi, tình yêu quê hương, tình yêu gia đình, cha mẹ. Chắt lọc vào thơ những
trải nghiệm bản thân từ những điều rất nhỏ nhặt, những chi tiết rất hàng ngày
trong đời sống, thơ Lê Cảnh Nhạc cho ta một cảm giác dễ chịu về sự hồn hậu đến
mức thật thà, đáng yêu.
Lê Cảnh Nhạc có nhiều bài thơ hay về quê
hương. Miền quê Hà Tĩnh trong anh luôn là một sự ám ảnh. Mà hình ảnh quê hương
bao giờ cũng gắn liền với hình ảnh Mẹ. "Con lớn lên, đồng níu mẹ hai
vai/ Bão giật tháng ba, lũ tràn tháng tám/ Đắp đập vá đê, be bờ chống hạn/ Hạt
gạo nuôi con biết mấy tảo tần".
Về mẹ mình, anh kể: "Mẹ tôi là một
người nông dân thực thụ. Ký ức tuổi thơ của tôi là bóng dáng mẹ tảo tần với
trăm công ngàn việc. Tôi nhớ mỗi buổi sáng tinh sương, khi anh em chúng tôi còn
ngủ say, mẹ đã trở dậy giã gạo. Cám thì mẹ để nuôi lợn, tấm thì để nhà ăn, còn
gạo trắng thì mẹ mang chợ bán lấy lãi. Giã xong gạo trời hãy còn mờ sương, mẹ
đi vào núi nhặt 3 gánh phân trâu, bò về để làm ruộng. Về đến nhà mẹ tất tưởi
mang gạo đi chợ. Bán hết gạo rồi mẹ mua gánh chè tươi quẩy về nhà mới đánh thức
bầy con dậy. Chiều mẹ lại gánh gánh chè ra chợ bán kiếm lời và khi về là quẩy
một gánh thóc nặng để đêm mẹ dậy sớm giã gạo. Cứ như thế mỗi ngày mẹ làm lụng
vất vả để nuôi anh em chúng tôi khôn lớn".
Dễ hiểu vì sao Lê Cảnh Nhạc có nhiều bài
thơ hay về mẹ, về quê hương. Thời trẻ, anh đã chọn nghề sư phạm. Và vì yêu quê
hương anh đã tình nguyện trở về quê nhà dạy học, tham gia công tác Đoàn, đội để
dìu dắt các em nhỏ. Ít ai biết rằng năm 23 tuổi Lê Cảnh Nhạc đã là Phó hiệu
trưởng Trường cấp 2 Kim Liên làng Sen quê Bác. Anh cũng là người Tổng phụ trách
Đội rất được các em nhỏ yêu mến.
Cuốn sách đầu tiên của anh được Nhà xuất
bản Kim Đồng "đặt hàng" không phải là cuốn sách văn học mà là viết về
những kinh nghiệm anh làm Tổng phụ trách Đội. Yêu mảnh đất quê nhà còn nghèo,
còn vất vả, thầy giáo trẻ Lê Cảnh Nhạc ngày ấy nguyện mang tâm sức mình cống
hiến cho quê hương.
Anh rưng rưng nước mắt khi nhắc lại kỷ niệm ngày lên đường đi du
học ở Liên Xô: "Bác tôi là GS Lê Bá Hán. Ông biết tôi vừa giỏi chuyên môn
sư phạm, vừa giỏi công tác phong trào, nhưng ông khuyên, tài năng giống như con
ngựa bất kham, nó chỉ có thể đưa mình đi tới đích nếu mình biết giật giây cương
cho nó đi về một hướng. Tôi chọn nghề giáo để theo đuổi. Và tôi được nhà nước
cử sang Liên Xô học về tâm lý giáo dục. Ngày tôi lên đường, quê hương đang phải
gánh chịu một cơn bão cấp 12. Nhìn cây cối đổ ngả nghiêng, tôi đi mà thấy lòng
mình như se sắt lại. Tôi thấy mình như đang là người có lỗi, chạy trốn khỏi
những khó khăn, nhọc nhằn của quê hương".
Và đây là những câu thơ được nhiều người
chép vào sổ tay mà Lê Cảnh Nhạc đã viết trong hoàn cảnh ấy: "Ước làm
một hạt phù sa/ Ước làm một tiếng chim ca xanh trời/ Ước làm tia nắng vàng
tươi/ Ước làm một giọt mưa rơi ấm chồi". Sau này, trở thành một nhà
văn, nhà báo, đảm nhiệm nhiều cương vị công tác quan trọng, nhưng quê hương Hà
Tĩnh vẫn là một nỗi niềm đau đáu trở đi trở lại trong thơ Lê Cảnh Nhạc.
Bài thơ "Huyền thoại Hồng Lam"
của anh có thể được xem như một khúc tráng ca về Hà Tĩnh. Lê Cảnh Nhạc có biệt
tài đưa các địa danh quê hương vào trong thơ rất tình, rất thi vị. "Gió
ngàn xanh đẫm mát nước sông La/ Tùng Ảnh thành tên từ bóng thông Tùng Lĩnh".
Những cảm thức ấy chỉ có thể có được từ trái tim gắn bó máu thịt, chân thành
của nhà thơ với quê hương, xứ sở.
Sẽ thật khiếm khuyết khi không nhắc về Lê
Cảnh Nhạc với những bài thơ tình có hương vị rất riêng. Tình yêu, lúc nào và ở
đâu cũng là một món quà quý giá nhất của Thượng đế. Với thi sĩ, nó càng không
thể thiếu. Nó là nơi để cái đẹp thăng hoa, nơi bung tỏa của cảm xúc với nhiều
trạng thái khác nhau. Hiếm thấy thi sĩ nào viết về vợ hay như Lê Cảnh Nhạc:
"Vẫn là em, điên đảo hờn ghen/ Nồng như ớt, mặn như là muối bể/ Cuống
quýt vào ra chua chanh chát khế/ Quay quắt thương, quay quắt nhớ xa chồng".
Cụ thể, chi tiết, mà vẫn đủ sức lay chứa tâm hồn người đọc.
Lê Cảnh Nhạc dường như muốn giấu kỹ con
người thi sĩ của anh đi, khi anh mộc mạc như vậy trong ngôn từ. Nhưng anh vẫn
làm người đọc xúc động, vì ẩn sau đó là một tấm lòng chân thành. Cái đẹp trong
thơ anh đến từ cái Thật. Người ta đi khắp thế gian để nhận ra bao nhiêu mỹ
miều, xiêm áo, cuối cùng vẫn chỉ là bọt bèo trước cái Thật, cái bình dị. Tình
yêu, hạnh phúc cũng vậy thôi. Tận cùng của nó là sự giản dị đến không ngờ. Lê
Cảnh Nhạc chắc chắn đã "ngộ" ra điều ấy.
Anh không cần sự phô trương nào hay sự
điểm tô nào cho tình yêu. Anh viết về khuôn mặt thật của nó, rất trong trẻo và
không kém mãnh liệt: "Anh thành tro của đá/ Anh thành tàn của cây/ Hồn
anh thành mây khói/ Hoang trời đêm Phiêng Lơi".
Ngoài thơ, Lê Cảnh Nhạc là một nhà quản
lý. Anh giữ cương vị Tổng biên tập Báo Gia đình & Xã hội kiêm Phó vụ trưởng
Vụ Pháp chế phụ trách báo chí, truyền thông, sức khỏe của Bộ Y tế. Gần 20 năm
trước, Lê Cảnh Nhạc đã từng một mình làm từ A-Z những số đầu tiên tạp chí
"Vì trẻ thơ", rất hay và hấp dẫn. Anh cũng là người viết báo rất
"mả" ở nhiều thể loại. Phóng sự "Mầm ác và hướng thiện" của
anh đã từng giành giải thưởng Báo chí toàn quốc năm 1994 và giải thưởng Báo chí
của Trung ương Đoàn. Bận rộn là gương mặt đời thường Lê Cảnh Nhạc. Cuộc sống
lăn lộn của người làm báo đã cho anh nhiều trải nghiệm.
Những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, những
số phận con người... đã bước vào thơ anh một cách tự nhiên với nhiều day dứt.
Và phút làm thơ chính là phút anh soi lại mình. Tôi rất ám ảnh những câu thơ
giàu chiêm nghiệm của Lê Cảnh Nhạc: "Ta biết trong ta những góc nào u
tối/ Mê hoặc ta đâu dễ dứt lìa/ Bóng tối cuốn đi/ Bóng tối hút về/ Cơn khát
cuồng si nô lệ".
Nhận biết chính mình có lẽ là hành trình
khó khăn nhất trong cuộc đời mỗi con người. Mỗi bước lên cao hơn cũng chính là
mỗi bước nhìn sâu vào bản thể của mình, để nhận ra đâu là những giá trị thật
của đời sống. Trên con đường độc hành ấy, Lê Cảnh Nhạc bất chợt nhận ra: "Một
nửa tin yêu một nửa ngờ/ Nửa kết sâu bền, nửa vu vơ/ Nửa trải lòng, nửa đầy bí
hiểm/ Nửa sáng như gương, nửa tối mờ". Và anh giật mình: "So
cân một nửa cùng một nửa/ Nửa cán cân đời số không thôi"...
Phải trải qua rất nhiều những buồn vui của
đời sống, thậm chí là cả những vết thương, anh mới đến được gần chân lý ấy. Nó
mang màu sắc của Đức Phật. Nó bình yên và thức tỉnh. Những có có, không không
là rất vô thường. Con người ta đi qua đời sống và để lại điều gì? Nào phải địa
vị sang hèn hay chức tước. Nó có thể là một ánh mắt, một nụ cười, một lời ru,
một tình yêu, một tấm lòng.
Thấu suốt điều đó để cảm thấy mình hạnh
phúc, để yêu hơn mỗi ngày đang có, đang lao động và cống hiến có lẽ là thông
điệp lớn nhất mà Lê Cảnh Nhạc muốn gửi gắm vào thơ. Và như anh từng nói, cho dù
đời sống có nhiều đổi thay thế nào đi chăng nữa, thì tấm lòng của nhà thơ với
cuộc đời lúc nào cũng rất tròn đầy, như vầng trăng không bao giờ khuyết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét