Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Câu chuyện Hoa hậu của nhà thơ giám khảo


Theo Nhà thơ Mai Nam Thắng, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân, số Tết Tân Mão 2011

Hương sắc Việt Nam
 Tặng Hoa hậu Thế giới người Việt 2010

Sắc biển xanh màu xanh đại dương
Khát vọng triều dâng hòa chung biển lớn
Hương sen ngàn đời dịu dàng nồng thắm
Lắng thơm hồn đất Việt sáng đài hoa

Từ Hà Nội đến Maxcơva
Thành phố Hồ Chí Minh đến Luân đôn sương trắng
Những cánh sen kiêu sa tỏa nắng
Hội tụ về thơm sóng nước Vinpearl

Sắc biển-Hương sen-Trí tuệ Việt Nam
Vành nón trắng tà áo dài trinh trắng
Tâm hồn Việt Nam bao dung nồng ấm
Gửi trao em - Hoa hậu của muôn nhà
                         Lê Cảnh Nhạc

PV- Cùng một bài thơ nhưng mỗi bạn đọc có cách cảm nhận riêng và đôi khi không trùng với “thông điệp” của tác giả. Vậy qua bài thơ “Hương sắc Việt Nam” nhà thơ Lê Cảnh Nhạc muốn gửi gắm điều gì?

TS. Lê Cảnh Nhạc  - Khát vọng hội nhập thế giới luôn quyện lẫn mong ước giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cái đẹp được chưng cất từ “Hương sắc Việt Nam”  thanh cao, tinh khiết, tỏa đi khắp năm châu bốn biển nay được hội tụ về trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt. Khát vọng Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, mà biểu  tượng là sắc biển, hương sen, đã gửi gắm vào cái đẹp được tôn vinh thông qua hình ảnh chiếc vương miện Hoa hậu trong cuộc hội tụ sắc đẹp mang tính toàn cầu đầy ý nghĩa của người Việt. Đó là điều tôi muốn gửi gắm qua những vần thơ này.  

PV- Bài thơ ra đời khi nào và trong hoàn cảnh nào? Anh có thể nói kỹ hơn một chút về quá trình sáng tác bài thơ này? Lần đầu nó được đăng ở báo nào?

TS. Lê Cảnh Nhạc - Bài thơ “Hương sắc Việt Nam” được viết từ xúc cảm về Cuộc thi “Hoa hậu thế giới người Việt 2010”. Tại một cuộc họp giữa Ban tổ chức và Hội đồng giám khảo Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt (tháng7/2010), sau khi anh Phạm Nhật Vượng- Chủ tịch Tập đoàn VINGROUP- thay mặt Ban chỉ đạo Cuộc thi chốt hạ Chủ đề “Sắc biển, Hương sen, Tâm hồn Việt”, tôi vô cùng hứng khởi. Truyền thống và hiện đại. Hội nhập và giữ gìn bản sắc dân tộc. Đó là tinh thần của Cuộc thi. Các vòng sơ kết, bán kết đã được tổ chức thành công ở Mascơva, London, Balan và Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Những người đẹp Việt Nam dù ở Liên bang Nga, Nhật Bản, Đức, Tiệp khắc, Thụy điển hay Hoa kỳ… được chọn vào vòng chung khảo đều toát lên vẻ đẹp tâm hồn Việt Nam, vừa đằm thắm vừa kiêu sa, vừa dịu dàng truyền thống Á đông, vừa lấp lánh trí tuệ của văn minh hội nhập. Các em đều được sinh ra và lớn lên trong vòng tay của cha mẹ, ông bà, dù ở xa Tổ quốc nhưng lòng vẫn luôn luôn hướng về quê cha đất tổ. Các em được vun đắp tình yêu quê hương đất nước và được giáo dục những phẩm hạnh truyền thống của  người con gái Việt Nam. Điều đó thật đáng trân trọng. Bài thơ “Hương sắc Việt Nam” lần đầu tiên được công bố trên báo điện tử Giadinh.net.vn và Báo Gia đình và Xã hội, rồi lan sang một số tờ báo mạng khác ngay trong thời gian diễn ra vòng Chung kết Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt tại Vinpearl Land (Nha Trang). Sau đó bài thơ được đăng lại trên Báo An Ninh Thế giới, khi Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt vừa kết thúc thành công. Một buổi sáng, khi tôi đang ở Vinpearl Land, tác giả của bài hát “Tình cây và đất”- nhạc sĩ Tuấn Phương ở Đài Truyền hình Việt Nam gọi vào báo tin: “Tớ bắt được giai điệu cho ca khúc “Hương sắc Việt Nam” rồi. Tiếc là không kịp phối khí, dàn dựng cho Chung kết Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt lần này”…    

PV- Được biết tại cuộc thi “Hoa hậu thế giới người Việt” 2010, anh được mời làm trưởng Ban giám khảo. Vì sao BTC lại chọn anh làm trưởng BGK?

TS. Lê Cảnh Nhạc - Có lẽ điều này phải hỏi Ban tổ chức và Ban chỉ đạo cuộc thi thì mới đúng. Trước khi Cuộc thi diễn ra khoảng 5 tháng, một hôm anh Phạm Nhật Vượng gọi điện cho tôi hỏi: “Ban tổ chức Hoa hậu thế giới người Việt 2010 mời anh làm Trưởng ban giám khảo, anh có nhận lời không?”. Tôi thoáng chút ngỡ ngàng, vì chưa tham gia làm Giám khảo cuộc thi sắc đẹp nào, mặc dù có tham gia các hoạt động xã hội và thỉnh thoảng làm khách mời của một số chương trình truyền hình. Nhưng ngay sau đó tôi nhận lời ngay. Lý giải tại sao lại chọn tôi làm Trưởng ban giám khảo có lẽ cũng không khó. Một khi công tác tổ chức được chuẩn bị công phu kỹ lưỡng đến từng chi tiết, cách tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, nhà tổ chức cuộc thi sắc đẹp không vụ lợi mà chỉ vì mục đích tôn vinh cái đẹp, vì sự quảng bá cho hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thì ai là người được chọn làm Giám khảo cuộc thi cũng phải dốc hết tâm lực của mình vì giá trị của cái đẹp đich thực. Công tác tổ chức tốt thì làm Giám khảo “cực dễ”. Còn công tác tổ chức “có vấn đề” thì làm giám khảo “cực khó”. Với Cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt thì nếu mời anh  hay mời bất kỳ ai tham gia Giám khảo cũng đều có thể làm tốt được, miễn là anh biết cảm nhận cái đẹp đích thực; biết tôn trọng quy chế, luật lệ  của Hội đồng Giám khảo; biết đánh giá công tâm; biết đặt tiêu chí cái đẹp của hàng triệu công chúng lên trên tiêu chí cái đẹp cảm quan của cá nhân mình…Để làm điều này thì hàng trăm người có đủ tiêu chuẩn, đúng không nào? Đâu cần cứ phải là “siêu sao” hay “người nổi tiếng”, “người của công chúng” mới xứng đáng làm việc này. Bản thân cuộc thi được tổ chức tốt đã nổi tiếng rồi, cần gì  phải  tìm cho được “người nổi tiếng” để “đánh bóng thương hiệu” cho cuộc thi. Vì vậy Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt 2010 có thể chọn tôi mà cũng có thể chọn hàng trăm người khác, điều đó không có gì là khó hiểu
   
PV- Trong 3 “nhà” là nhà thơ, nhà báo (mà lại là TBT) và nhà giáo dục học (tiến sĩ GDH), theo anh thì “nhà” nào hợp với việc tuyển chọn người đẹp nhất?

TS. Lê Cảnh Nhạc - Cả ba tố chất đó đều hỗ trợ cho nhau, và đều cần đến, đều hợp với việc tuyển chọn người đẹp nếu nó là những tố chất đích thực. Nhưng nó sẽ chẳng có ích gì, thậm chí là tai hại nếu chỉ là những hư danh hão huyền. Tôi nghĩ, chức tước, nghề nghiệp, học vị, thậm chí là uy danh… nhiều khi chưa nói được gì nhiều về tố chất con người, dù chỉ là khả năng đáp ứng yêu cầu trong tuyển chọn người đẹp hay trong các hoạt động xã hội khác. Chính hành vi ứng xử, phản xạ trước các tình huống cuộc sống, cách lý giải và xử trí những mâu thuẩn thực tiễn đặt ra trong công việc hàng ngày mới cho ta kết quả về tố chất của con người đó có đáp ứng được yêu cầu mà chúng ta kỳ vọng hay không.  

PV- Trong cuộc thi HHTGNV mà anh được mời làm trưởng BGK, có sự việc, câu chuyện hoặc kỷ niệm nào là ấn tượng sâu sắc nhất đối với anh?

TS. Lê Cảnh Nhạc - Có một điều cá nhân tôi cảm thấy rất  tiếc nuối nhưng không thể vượt qua được, đó là trong số 42 thí sinh được tuyển chọn vào vòng Chung kết Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt, tôi rất có cảm tình với thí sinh mang số báo danh 979 đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Em đang học năm thứ hai Đại học Thương mại. Kiểm tra về giao tiếp, ứng xử, em đều thể hiện sự nhạy cảm, tinh tế và lộ rõ tư chất thông minh. Em có gương mặt đoan trang, đôn hậu. Cả gương mặt toát lên nét đẹp khả ái, thánh thiện. Sống mũi cao thanh tú, đẹp đến mức có người đã chuyển thông tin lên Ban Giám khảo là em đã từng phẩu thuật thẩm mỹ mũi. Chúng tôi phải gọi em lên kiểm tra. Sau khi kiểm tra kỹ, cô Diệu Linh- bác sĩ phẩu thuật tạo hình- khẳng định 100% là tạo hóa đã cho em cái mũi đẹp như vậy mà không cần đến sự can thiệp của dao kéo. Không chỉ có tôi mà cả nhà thơ Hồng Thanh Quang, cựu Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa và NSND- Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Phạm Anh Phương đều có cảm nhận chung về vẻ đẹp của em. Thế nhưng em không vào được tốp 15 vì có những hạn chế về các chỉ số nhân trắc học theo tiêu chí chung của cuộc thi người đẹp

PV- Nhiều người kêu là ở nước ta đang “loạn” thi người đẹp. Theo anh có “loạn” thật không và nếu có thì nên “vãn hồi” thế nào?

TS. Lê Cảnh Nhạc - Tôi không hề phản đối về việc tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp. Càng có nhiều cuộc thi, cái đẹp càng được tôn vinh, trân trọng. Dù là Hoa hậu quốc gia, Hoa hậu quốc tế hay Hoa hậu thời trang, Hoa hậu quý bà, Hoa hậu nữ doanh nhân, thậm chí là Hoa hậu những người nhiễm HIV/AIDS… Tất cả đều đáng trân trọng. Cái “loạn” thực sự hiện nay là một số cuộc thi không lấy cái đẹp làm tiêu chí hàng đầu, thiếu tôn trọng công chúng, mà lợi dụng thương hiệu các cuộc thi sắc đẹp để đánh bóng thương hiệu cho mình, vì mục đích cá nhân hay vụ lợi cho đơn vị mình, dẫn đến việc tổ chức lùm xùm, thiếu công tâm, minh bạch, thậm chí dẫn đến kiện cáo, xì căng đan làm mất uy tín cho cuộc thi. Theo tôi, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cần có tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức các cuộc thi sắc đẹp và hàng năm thẩm định, rà soát cụ thể, chi tiết về kết quả, chất lượng các cuộc thi sắc đẹp. Kiên quyết không tiếp tục cấp giấy phép cho cuộc thi nào tổ chức thiếu chất lượng, có nhiều dư luận không tốt. Tên gọi mỗi cuộc thi cũng cần phản ánh đúng bản chất và vị thế, tầm vóc của cuộc thi đó. Đừng lấy tên “phường” đặt tên cho “thành phố”… 

PV- Người ta vẫn thường kêu ca người đẹp nước mình thường hạn chế về tri thức và cách ứng xử, thậm chí đôi khi là cả đạo đức phẩm hạnh nữa? Theo anh có đúng không? Người đẹp trên thế giới có tình trạng đó không?

TS. Lê Cảnh Nhạc - Xin đừng nhầm lẫn cuộc thi Hoa hậu với cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”. Điều quan trọng nhất là tìm ra người đẹp. Đẹp về hình thể và đẹp về tâm hồn. Tôi tin rằng, mỗi khi cái đẹp được tôn vinh, giá trị cái đẹp sẽ cộng hưởng để người đẹp vươn lên chiếm lĩnh các giá trị cao hơn trong cuộc sống. Các em mới 19 – 20 tuổi, sao chúng ta lại đòi hỏi các em phải có tầm tri thức cao được. Trong tiêu chí tìm cái đẹp về tâm hồn bên cạnh cái đẹp về hình thể, chúng tôi quan tâm đến tư duy, lập luận, tính nhân văn và ý thức trách nhiệm cá nhân trước xã hội. Điều đó toát lên trong phản xạ ứng xử trước những vấn đề, những sự kiện của cuộc sống.
Còn nói về những hạn chế trong cách ứng xử và thậm chí là cả đạo đức phẩm hạnh nữa, người có gương mặt và thể hình đẹp cũng như nhiều người bình thường khác mà thôi, cũng có nhiều người chỉ tốt nước sơn mà không tốt gỗ. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng có nhiều chuyện đáng bàn về vấn đề này. Các nhà tổ chức cuộc thi sắc đẹp có tên Hoa hậu Bia ở Saaz, CH Czech đã hủy bỏ kết quả cuộc thi này sau khi phát hiện người chiến thắng Jana Kaderavkova từng là ngôi sao khiêu dâm. Những bức ảnh “hot” của Sofia Rudieva làm nóng lên dư luận tẩy chay ngôi vị Hoa hậu Nga 2009 mà người đẹp này giành được. Maria Venus Raj, Hoa hậu hoàn vũ của Philippines năm 2010, đã bị tước vương miện và mất quyền tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2010 sau khi ban tổ chức cuộc thi phát hiện ra điểm gian dối trong hồ sơ của cô…Còn ở Việt Nam cho đến nay chưa có Hoa hậu nào bị tước vương miện cả. Đó thực sự là điều đáng mừng.

PV- Nhà thơ, nhà báo, tiến sĩ Giáo dục học Lê Cảnh Nhạc có thể lý giải một thực tế hơi buồn cho đàn ông Việt Nam là tại sao các hoa hậu, á hậu nước ta lại thường lấy… chồng Việt kiều hoặc người nước ngoài?

TS. Lê Cảnh Nhạc - Câu hỏi này quả thật là hơi “hóc”. Nhưng tôi nghĩ, một số Hoa hậu hay Á hậu của ta lấy chồng Việt kiều hoặc người nước ngoài không phải vì họ chạy theo cuộc sống phồn hoa đâu. Suy diễn thế là thiếu công bằng. Tôi nghĩ như thế này nhé: Tiêu chuẩn tuyển chọn các Hoa hậu, Á hậu của chúng ta đang được Ban tổ chức các cuộc thi sắc đẹp vận dụng tiêu chí về nhân trắc học của người đẹp thế giới, đặc biệt là chiều cao. Người đẹp có chiều cao dưới 1,7 mét là Ban giám khảo băn khoăn rồi. Nhỡ “mang chuông đi đánh đất người”, tham dự cuộc thi Hoa hậu thế giới, người đẹp Việt Nam lùn tịt trước dàn người đẹp chân dài các nước coi sao được. Vậy nên Hoa hậu của ta nhiều người cao đến 1,73 mét, 1,75 mét…Mà đã là Hoa hậu thì “có giá” lắm, đúng không nào. Đã “cao giá” thì đấng quân phu cũng phải tương xứng (trai tài gái sắc mà lị). Khổ nỗi ở Việt Nam ta nhiều người tài lại bị hạn chế chiều cao. Còn người vừa tài vừa cao thì không phải khi nào cũng dễ gặp. Ca dao lại mai mỉa rằng “bây giờ chồng thấp vợ cao, như đôi đũa lệch so sao cho vừa”. Chẳng lẽ Hoa hậu lại sánh đôi với đấng quân phu “thấp hơn một cáí đầu” hay sao? Vậy là các Hoa hậu của ta phải xuất ngoại. Nếu là Việt kiều đi nữa thì ăn cơm Tây cũng dễ cao lớn hơn ăn cơm ta. Tôi hy vọng rằng, ít lâu nữa chất lượng dân số nước ta được cải thiện, đàn ông Việt Nam ta sẽ đủ chiều cao để tất cả các Hoa hậu Việt Nam không phải băn khoăn tìm đường xuất ngoại

PV- Xin cảm ơn Nhà thơ - Nhà báo - Tiến sĩ Lê Cảnh Nhạc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét