Không
biết đã mấy trăm mấy ngàn lần, dì đứng đó lặng im như một pho tượng đá. Mỗi lần
thấy dì Thơm ra Cồn đứng là cả làng tôi đều biết dì sốt ruột mong con.
Bọn
trẻ chúng tôi lớn lên chưa bao giờ được nghe dì nói, dù là tiếng nói không
thành lời của một người câm. Mẹ tôi kể rằng, ngày trước dì vốn là một cô gái
xinh đẹp nhất làng. Sắc đẹp và đức hạnh của dì một thời làm đắm đuối si mê biết
bao chàng trai. Nhưng tất cả mọi lời cầu hôn đều bị khước từ. Dì ở lại bên cạnh
người mẹ bị bại liệt hàng chục năm trời để thuốc thang săn sóc.
Ngày
mẹ qua đời, nỗi đau đớn và vất vả cực nhọc đã làm dì kiệt sức. Mai táng mẹ
xong, dì đổ bệnh nằm luôn. Dân làng xúm vào cứu chữa, đưa di thoát khỏi cơn
bệnh hiểm nghèo. Nhưng rồi cả làng lại đau xót nhận ra dì bị rụt lưỡi không thể
nói được nữa. Nhìn gương mặt dì hiền dịu, đẹp như một cô tiên, suốt ngày mím
miệng u sầu, ai cũng nghẹn lòng thương cảm.
Một
ngày nọ, sau khi đi tảo mộ, thắp hương cho mẹ về, người ta thấy dì bán tháo gà
lợn, vật dụng trong nhà, khóa cửa, gửi vườn tược cho hàng xóm rồi khoác túi ra
đi. Mọi người đồn rằng, dì ra thành phố, ở nhà người bà con để tìm thầy chữa
bệnh…
Sau
hai năm biền biệt, dì đột ngột trở về. Con đò dọc ghé vào Bến Cồn đưa dì và cu
Lúi mới được 5 tháng tuổi về làng. Cả làng bàn tán xôn xao. Ai cũng tọc mạch
muốn dò cho ra bố của thằng bé Lúi. Nhưng rồi tất cả đều nhìn dì với đôi mắt
cảm thông, thương dì đã bệnh tật còn đèo bồng con dại. Mong sao đó là niềm vui
chia sẻ nỗi cô đơn bất hạnh cho dì. Thật đáng trách, đáng giận người đàn ông
nào đó đã đang tâm phụ bạc mẹ con dì.
Dì
không nói được nhưng có điều không giống người câm khác là dì bị câm chứ không
hề bị điếc. Chính vì nghe được những âm thanh méo mó của mình mà dì cắn môi nín
lặng để không phát ra những tiếng nói mà dì hiểu không còn là tiếng người nữa.
Hình
như cả cu Lúi cũng chưa bao giờ được nghe mẹ nói. Thế nhưng Lúi biết đọc những
suy nghĩ của mẹ nó qua ánh mắt và cử chỉ. Dân làng ai cũng yêu quý mẹ con Lúi.
Mỗi lần thấy mẹ Lúi đứng trên Cồn, người làng tôi nhìn vào mắt dì để đoán
xem thằng Lúi đi đâu, làm gì và qua đó mà khen chê, nhắc nhở Lúi.
Những
buổi học tan, sắp về đến Cồn – nơi mẹ đứng, Lúi thường vọt lên trước bạn bè,
tay vung tít cái túi sách. Lúi nhảy lò cò ba bốn vòng quanh mẹ rồi vùng chạy
thách mẹ đuổi kịp mình. Mẹ Lúi vội vàng giúi cho nó một quả ổi hay củ khoai gì
đó, tìm cách đón bắt túi sách từ tay nó rồi đuổi theo con. Tiếng cười hiếm hoi
của người mẹ câm bật lên, vang vọng và sảng khoái tưởng chừng như hạnh phúc hơn
tất cả mọi tiếng cười trên đời này.
Đêm đến, dì thường ngồi đan áo len để bán và nghe Lúi học bài. Một lần, đang
học thuộc lòng một đoạn văn tả cảnh. Lúi bỗng thấy mẹ cuống quýt, tay líu ríu
chỉ về núi Mào Gà. Ánh mắt mẹ long lanh như có những vì sao đang cháy. Lần này
thì thằng Lúi không thể nào hiểu nổi điều mẹ muốn nói. Nó chỉ biết có cái gì đó
trên đỉnh Mào Gà liên quan đến đoạn văn tả cảnh ấy. Thế rồi, vào một sáng Chủ
nhật, mẹ đánh thức Lúi dậy từ lúc gà chưa xuống ổ. Ăn cơm xong, mẹ dắt Lúi ra
đi. Hai mẹ con trèo lên đỉnh Mào Gà cao tít, nơi có mỏm đá nhô ra vực Ngàn Sâu
như chiếc mào gà trống. Phía cuối dòng Ngàn Sâu, mặt trời tròn như cái mâm đồng
và đỏ rực như cục than bắt đầu bén gió.
Rồi từ đỉnh Mào Gà, hướng theo tay mẹ chỉ, nó bỗng sững sờ trước trăm ngàn vẩy
bạc đang lấp lánh trên mặt nước Ngàn Sâu. “Eo Cổ ngựa” dưới chân núi và làng
xóm, đồng quê mờ tỏ trong sương khói, tưởng như có ai đó vừa thả lên trời tấm
khăn voan khổng lồ mỏng tang, kỳ ảo… Đúng rồi, đây chính là những gì Lúi đã gặp
trong đoạn văn tả cảnh mà nó đã thuộc lòng. Lúi say sưa đọc, còn mẹ Lúi thì
khép môi ngân nga. Tiếng ngân của dì như âm vọng thầm thì của con suối ngầm
đang chảy từ lòng dì sang tâm hồn của Lúi…
Một hôm khác, Lúi lại theo mẹ ra đi mà không biết đi đâu. Buổi tối, nó thấy mẹ
luộc một nồi khoai thật to. Sáng hôm sau, mẹ sắp khoai vào túi cói rồi ra hiệu
cho Lúi xách một bên. Hai mẹ con đi chợ Bộng, nơi có hàng chục người ăn mày
đang lê la cầu thực. Đến nơi, mẹ ra hiệu bảo Lúi lấy khoai trong túi ra
cho những người ăn mày ấy. Một lần, Lúi vô ý ném “bụp” củ khoai vào nón của ông
lão ăn mày. Mẹ quay lại nhìn Lúi chau mày khó chịu. Ánh mắt đầy trách móc. Rồi
mẹ lấy một củ khoai khác, ngồi xuống bóc cho ông ăn. Lúi ân hận hiểu ra, vội
cúi đầu xin lỗi.
Cạnh nhà Lúi có ông Sòng chuyên làm nghề bẫy chim Khướu, sáng sáng, ông xách
lồng chim mồi vào rừng đặt bẫy, đến chiều tối mới về. Ngày nào ông cũng bẫy
được một vài con. Thỉnh thoảng lại có người đến mua Khướu của ông mang về chợ
tỉnh bán.
Thường
ngày đi học về là Lúi chạy đến nhà ông Sòng, đứng mê mẩm hàng giờ bên những
lồng chim treo lủng lẳng. Những con chim mới sa bẫy cứ cuống cuồng chuyền nhảy.
Chỉ những con chim mồi mới an phận đứng yên, thỉnh thoảng vênh mỏ ngơ ngác cất
tiếng hót. Lúi mừng rơn khi được ông Sòng cho một con chim mang về nuôi. Nhưng
không hiểu sao Khướu của Lúi suốt ngày cứ lồng lộn hoài trong lồng chứ không
chịu hót.
Thằng Lúi sốt ruột lắm. Suốt ngày cứ treo lồng chim lên lại tháo lồng chim
xuống, vừa cho ăn, vừa huýt sáo liên hồi. Ngón tay trở ngoắc ngoắc. Con Khướu
chỉ biết kêu “rích rích” rồi lại nhảy cuống cuồng trong lồng. Một bữa, Lúi buột
miệng thốt lên ý định sang hỏi ông Sòng cách cắt lưỡi chim Khướu để dạy nó nói
tiếng người như ai đó đã làm. Mẹ Lúi nghe thế bỗng rùng mình xua tay và lắc đầu
quầy quậy. Ngày hôm sau, mẹ ra hiệu cho Lúi xách túi vào đồi hái sim cùng mẹ.
Lúc đi, mẹ tháo lồng chim xuống cho Lúi mang theo. Lúi treo lồng chim vào cây
gậy, vác lên vai, vừa đi vừa tung tẩy chân sáo vẻ thích thú lắm.
Bên đồi sim có một thung lũng rợp kín bóng cây, nối liền với cánh rừng nguyên
sinh âm u, nơi ông Sòng ngày ngày vẫn vào đặt bẫy Khướu. Lúi đang hứng mũ dưới
những cành sim lúc lỉu quả để rung lấy những quả sim chín mọng thì thấy mẹ đột
ngột chạy đến. Mẹ đổ quáng quàng mũ sim chín vừa hái vào túi rồi vội vã dắt Lúi
chạy về phía mé đồi. Mẹ đưa tay ra hiệu ngầm bảo Lúi im lặng. Hai mẹ con rón
rén lách qua bờ lau, nép mình dưới lùm cây kín đáo trên triền thung lũng. Lúi
ngơ ngác không hiểu chuyện gì, còn mẹ cứ mỉm cười nhìn Lúi. Đôi mắt mẹ nháy
nháy như đang cùng Lúi chơi trò ú tim với một người nào đó.
Thung lũng im ắng đến ghê người. Bóng cây thia lia bao chùm nắng. Không gian
ong ong một hợp âm vừa gần vừa xa, hư hư, thực thực... Bỗng một tiếng chim cất
lên như nốt nhạc rành rọt điểm xuyết vào dàn hợp xướng huyễn hoặc của ngàn vạn
côn trùng. Ơ kìa, trên cành cây trước mặt, lồng chim của Lúi đang đung đưa. Con
Khướu thường vẫn lồng lộn là thế, nay chỉ khẽ chuyền nhảy rồi đứng lặng yên,
líu lo cất tiếng hót.
Từ cánh rừng đại ngàn, một tiếng chim đáp lại. Nghe tiếng bạn trả lời, con
Khướu của Lúi tiếp tục miết cổ, rướn chân, rót vào thăm thẳm rừng xanh những âm
thanh trong vắt. Hình như nó đang ép mình dưới đôi cánh mỏng để chắt mật rưới
vào tiếng hót. Tiếng chim bạn mỗi lúc một gần hơn, rõ hơn... Rồi một cánh chim
chao ngang, đáp xuống chiếc lồng chim của Lúi. Hai con chim thôi không hót nữa
mà kêu liên hồi “rích rích”, vừa mừng vui, như giận dữ vì bất lực. Con Khướu
bên ngoài vùng lên đạp xuống, đu bám quanh lồng. Con Khướu bên trong cuống
cuồng nhảy loạn xạ, bật ngửa cả người, đeo vào đỉnh lồng. Đôi chân giãy đành
đạch. Lông chim tả tơi. Cả hai con chim như muốn xé nát chiếc lồng giam chật
chội. Lúi chợt tưởng tượng đến những con Khướu đã sa bẫy ông Sòng trong những
lần tìm gặp nhau như thế. Có phải chiếc lồng đã cướp đi những tiếng hót tuyệt
diệu của loài chim. Mẹ đưa cho Lúi cây gậy. Như hiểu được điều mẹ muốn nói, Lúi
cầm gậy đỡ lấy lồng chim xuống. Con chim bạn hoảng hốt bay vút lên ngọn cây,
Lúi mở lồng, con Khướu của Lúi lao vút qua cửa chao cánh về hướng bạn. Rồi cả
đôi Khướu vun vút chao đi. Một lúc sau, cuối phía thung lũng vọng lại những
tiếng hót. Lúi cùng mẹ chạy dọc triền thung lũng, đuổi theo những tiếng chim
lảnh lót khi gần, khi xa, quên cả buổi chiều đang dần tắt nắng.
Lần đầu tiên, Lúi thực sự được nghe những tiếng hót tuyệt vời của loài Khướu. Chỉ
những con chim tự do nơi rừng xanh mới có được những tiếng hót như thế. Có lẽ
không nói được nên mẹ Lui càng thêm quý tiếng hót của loài chim. Chao ôi, vậy
mà hôm qua Lúi từng có ý định cắt lưỡi con Khướu tù tội để bắt nó nhại những
tiếng nói không phải của loài Khướu...
Vừa lắng nghe tiếng chim, Lúi vừa ngước nhìn mẹ. Trước mặt Lúi, mẹ không còn là
một người mẹ tàn tật. Mẹ thực sự là cô tiên giấu mình. Bên trong sự câm lặng
đăm chiêu là một tâm hồn thanh tao và tấm lòng bao dung nhân ái.
*
*
*
Thời gian bình lặng trôi qua. Đến một dạo Lúi bỗng cảm thấy như có lớp mây đen
nào đó đang bủa vây mẹ. Ánh mắt mẹ giấu đầy âu lo. Đêm đêm, con chuột chạy qua
nhà cũng làm mẹ giật mình. Nhiều bữa, mẹ hốt hoảng bật dậy cài chặt cửa rồi nằm
xuống ghì chặt Lúi vào lòng. Đêm thắc thỏm. Mắt mẹ chớp chớp hoài không ngủ.
Tết Trung thu, Lúi đi rước đèn vừa về đến sân sau bỗng nghe tiếng mẹ hét lên
một tiếng. Phía sau nhà, thấp thoáng một bóng người đang chạy xuống bờ sông,
vội vàng nhảy lên thuyền, bơi sang bờ bên kia... Mẹ bối rối nắm tay Lúi dắt vào
nhà, ra hiệu để Lúi yên tâm. Nhưng Lúi biết, mẹ đang giấu Lúi một chuyện gì đó
hệ trọng...
Một hôm, Lúi bỗng dưng nhận được một gói quà không có họ tên người gửi. Một
chiếc mũ lính thủy, bộ quần áo đắt tiền và đôi giày thể thao ngoại... Có nằm mơ
Lúi cũng không dám nghĩ tới những đồ dùng và bộ cánh sang trọng thế. Sau hàng
tiếng đồng hồ vuốt ve ngắm nghía, Lúi đóng cả bộ vào rồi dạo mấy vòng quanh
sân, hồi hộp chờ mẹ đi chợ về... Chắc mẹ sẽ trố mắt lên vì thấy thằng Lúi con mình
tềnh toàng bỗng nhiên thành hoàng tử...
Mẹ về. Lúi nấp sau cánh cửa, bất thần bước ra và sung sướng reo lên:
-
Chào mẹ! Hoàng tử xin mời mẹ lên xe vào cung điện dự tiệc...
Nhưng bỗng Lúi cụt hứng khi thấy mẹ giật thót lên, sợ hãi. Lúi vội phân bua:
-
Đây là qua ai đó gửi cho con mẹ ạ.
Ánh mắt mẹ Lúi bỗng tối sầm lại, tay mẹ run rẩy buông rơi bó rau muống và xâu
cua xuống đất. Mặt mẹ tái nhợt như tàu lá. Lúi hốt hoảng không hiểu vì sao
những thứ này lại khiến mẹ lo buồn, như thể đây là điềm báo tai họa vậy. Lúi
vội vàng cởi bỏ bộ ánh sang trọng ấy và khoác ngay quần áo cà tàng thường vẫn
mặc. Mẹ bỗng ào đến ôm ghì Lúi. Nước mắt mẹ ướt nhòe hai má Lúi.
-
Nếu mẹ không thích con cũng ứ mặc nữa.
-
Nhưng tại sao con không được mặc đồ đẹp hả mẹ? Vì sao người ta gửi quà mà lại
giấu tên hả mẹ?
Mẹ chỉ lắc đầu buồn bã và xua tay ngăn Lúi đừng hỏi nữa. Những uẩn khúc trong
lòng mẹ mỗi ngày như dày thêm khiến Lúi càng khó hiểu. Lúi ấm ức khi nghe một
vài đứa xì xào: “Này thằng Lúi là con không bố đấy”.
Một buổi chiều đi học về. Lúi không thấy mẹ đứng trên Cồn đón mình như mọi bận.
Linh tính bảo cho Lúi biết có chuyện gì đó chẳng bình thường. Vào
đến sân, Lúi bỗng nghe có tiếng ai đó van vỉ, cầu xin mẹ điều gì
trong nhà. Lúi kìm chân dừng lại trước bậc thềm. Qua khe cửa, Lúi
chợt nhận ra người đang quỳ dưới chân mẹ chính là bà buôn chè xanh bằng
đò dọc, mấy lâu nay thường ghé vào bến Cồn.
Có lần bà đứng chống sào hàng giờ xem mẹ con Lúi giỡn đùa trên bãi
tắm. Lúi khỏa nước tung tóe, mẹ xòe tay che mặt. Nước bắn vào miệng
làm mẹ cười sặc sụa. Bến sông tắm đầy tiếng cười của Lúi và của
mẹ. Lúi bỗng thấy người đàn bà níu sào ngồi bệt xuống mạn thuyền
rồi đưa tay ôm lấy mặt, chúi đầu khỏa nước, vò khăn lau nước mắt.
- Mẹ ơi, sao bà ấy khóc kìa!
Mẹ Lúi ngoái lại, bất chợt rùng mình như có luồng điện
giật, vội vàng đưa Lúi lên bờ mặc quần áo…Lúi giật mình khi nghe
tiếng người đàn bà vọng ra: “Em đâu phải là người buôn chè xanh đò
dọc. Em đã thuê mướn người dò ra tung tích rồi mới lặn lội về đây
để tìm lại nó. Trời ơi, em chỉ khao khát được làm mẹ. Xin chị cho em
được chuộc nó về. Em sẽ trả công xứng đáng cho chị bao năm qua đã
nuôi dạy nó”. Mẹ Lúi kéo người đàn bà dậy và đưa tay che miệng,
không cho nói tiếp nữa. Gương mặt mẹ tái nhợt. Cả người mẹ run rẩy,
giật giật như đang lên cơn sốt.
- Mẹ!... – Lúi xô cửa và kêu lên hoảng hốt.
Người đàn bà ngước nhìn Lúi, nửa mừng rỡ, nửa bối rối van lơn:
- Con!... Con của mẹ… Mẹ mới thật sự là người dứt ruột đẻ ra con.
Về với mẹ đi con…
Lúi trố mắt nhìn người đàn bà từ đầu đến chân. Tay níu mẹ, vẻ cầu
cứu:
- Mẹ ơi, đừng… Mẹ là mẹ của con. Con chỉ tin mỗi mẹ thôi. Bà ấy nói
có thật không mẹ?
Mẹ đưa tay đỡ lấy gương mặt Lúi, nhìn thẳng vào mắt Lúi rồi mệt
mỏi gật đầu…
Lúi đột ngột buông vai mẹ, hét lên:
- Không! Khô…ng…! – và tấm tức vùng chạy ra khỏi nhà.
Mẹ Lúi xô cửa đuổi theo. Mẹ òa khóc như đứa trẻ. Cơn dông ập đến
đột ngột. Chớp chém ngang mặt sông những tia sáng lóe rợn. Tiếng kêu
không thành lời của mẹ bật lên, vọng theo triền sông, chìm đi trong
sấm sét…
Mẹ đứng trên Cồn như những lần Lúi bỏ đi chơi xa, không báo cho mẹ
biết. Cơn dông ập đến rồi tan nhanh, để lại đêm đen và giá lạnh trong
bộ quần áo đẫm nước mưa. Đêm nay, sau khi tìm Lúi khắp làng trên xóm
dưới, mẹ chạy ra bờ sông, quỳ trước vực Ghềnh, vực ông Nghè, cầu xin
thằng Lúi đừng bỏ mẹ.
Mẹ đứng đó cho đến khi đôi chân run rẩy không bám chặt vào đất nữa
mới lết vào thềm nhà, ghé lưng trên chiếc chõng tre…
… Hình ảnh thằng Lúi mười ba năm về trước đột ngột hiện ra. Đêm ấy
cũng giống như đêm nay, trời xối xả mưa, sông hạ nguồn nhì nhằng ánh
chớp. Mẹ sung sướng đón thằng Lúi từ tay mẹ nó như đón một báu vật
rồi vội vàng nhảy xuống con đò dọc, ngược nước trở về làng. Mẹ
nhất quyết không chịu ở lại thêm một ngày nào nữa để mong chữa lành
bệnh.
Con đò lầm lũi trong mưa. Trên bờ sông, một người đàn bà cũng lầm
lũi chạy theo tiếng khóc của đứa con vừa lìa mẹ. Bóng người đàn bà
ấy chới với trong màn dông, in trên trời đêm, giữa dọc ngang sấm chớp.
Đến quãng sông bồi, người đàn bà đột ngột băng mình xuống nước rồi
nhào ra giữa dòng níu chặt lấy mái chèo. Thằng Lúi vẫn không ngớt
khóc thét trong vòng tay người lạ. Người đàn bà nhoài lên mạn
thuyền, cắn môi giật đứt hàng cúc áo, để trần cả khuôn ngực cương
đầy hai bầu sữa. Bà vơ quàng tấm tã lót lau qua loa rồi ôm chầm
thằng Lúi, cho nó bú, mặc ông lái đò há hốc mồm đứng lặng như trời
trồng trước mặt. Thằng Lúi thôi khóc, thiêm thiếp ngủ. Nó trở lại
trong lòng người mẹ câm khi đã được ăn no.
Người đàn bà kéo áo chùi nước mắt nhảy xuống nước bơi trở về. Con
thuyền chao đảo ngả nghiêng trong đêm mưa xối xả…
*
*
*
…Lúi về nhà lúc trời gần sáng. Người Lúi cũng ướt đầm và cóng
lạnh. Đêm nay, nó cũng lang thang suốt dọc bờ sông để tự trả lời câu
hỏi mà nó vừa hỏi mẹ… Lúi ngồi xuống bên chõng tre, nâng đôi tay gầy
yếu của mẹ lên áp vào má mình, nức nở: “Mẹ ơi, mẹ bao giờ cũng là
mẹ của con. Sao mẹ lại gật đầu như thế”.
Những giọt nước mắt của Lúi thấm vào lòng tay mẹ. Như một luồng
điện lạ kỳ từ người Lúi truyền sang làm mẹ bừng tỉnh. Mẹ chớp mắt
ngồi bật dậy và nhìn Lúi chăm chăm. Tay mẹ lóng ngóng quờ quạng
khắp gương mặt con trai. Rồi từ thanh quản tắc nghẹn bao năm, một
tiếng nói tròn trịa bỗng bật lên: “Con…”. Hạnh phúc thay, đó là
tiếng nói đầu tiên của một người mẹ câm. Tiếng nói Lúi tìm về cho
mẹ.
Câu chuyện tôi kể xảy ra cách đây đã hơn hai mươi năm. Trong ngôi nhà
nhỏ bên dòng Ngàn Sâu ấy giờ đây có hai người đàn bà đang sống với
một đứa cháu nội. Họ cùng nhau chia sẻ những buồn vui, cùng trông
ngóng về một phương trời, nơi bố của đứa bé đang sống và làm việc.
Họ cùng cuốc đất làm vườn, cùng khiêng nước nấu cơm, lúc thủ thỉ
tâm tình lúc giỡn đùa với cháu. Thư bố Lúi về họ bóc ra cùng đọc.
Rồi cả hai mái đầu bạc chụm vào dưới một ngọn đèn cùng viết một
lá thư.
Lê Cảnh Nhạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét