Mây trời vần vũ. Gió xoáy. Bụi mù. Hàng chục cái phễu
gió xoay tròn như con quay, múa may như đám ma cụt đầu hiện lên đùa nghịch. Mặt
sông răn riu. Nước ép mình xuống đáy. Sóng bì bọp phả những hơi thở gấp gáp vào
bờ.
Thằng bé trần trùng trục đứng trên ngọn đa,
khanh khách cười đùa với những “con ma cụt đầu”. Những cành đa lắc lư, vặn vẹo.
Tán đa lô xô, chao đu như múa. Thằng bé và cây đa ngạo nghễ như chế nhạo cả dàn
nhạc điên loạn của đất trời trước cơn giông lớn.
Gió tan. Sông nín thở. Những bóng “ma cụt đầu”
chạy trốn. Cây đa vươn tán chống trời...
Những hạt nước như những giọt chì lắc rắc rơi.
Thằng bé thòng dây đu người xuống đất. Nó gạt mưa nhào lên mái đê, trở về với
“lâu đài” của mình. Đó là cái tháp canh cũ kĩ, rộng chừng ba mét vuông, bốn bề
thông thống gió. Từ đời nảo đời nào, cái tháp canh đã nghểu nghện trên mặt đê.
Cửa bên này hướng ra cây đa và bãi sông. Cửa bên kia hướng vào thành phố. Bốn
bức tường tháp canh tróc lở. Tháp canh hoang lạnh vô chủ trở thành “lâu đài” từ
ngày thằng bé xuất hiện ở bãi sông này...
Sau những hạt mưa chì lắc rắc, cả đất trời
trắng xóa, mù mịt nước. Sấm đì đùng. Bất chợt, một ánh chớp sáng lóe rạch ngang
bầu trời, xé toạc cả màn giông. Tiếp đó là tiếng nổ đinh tai, lay động cả “lâu
đài” của thằng bé. Ngọn đa “toác” lên
một tiếng rùng rợn rồi gãy rắc, đổ vật xuống đất. Mùi tầm sét khét lẹt. Thằng bé nhảy bổ ra khỏi “lâu đài”
nhìn về nơi phóng ra tia chớp, uất ức gào thét: “Ê hê...Sao lại đánh cây đa? Nó
có tội gì mà đánh nó?”.
Lạ thay, mưa tạnh, mây tan. Cơn giông vội vã
thu nước về. Vòm trời cuộn vút lên, xanh thẳm. Không gian yên ắng và mát lạnh.
Thằng bé lao vụt xuống sườn đê, chạy đến cây
đa, ngồi xuống bên cành gãy. Một lúc sau, nó đu dây trèo lên, ôm chặt lấy ngọn
đa đen cháy đang tua tủa những thớ thịt xơ xác lên trời.
Thằng bé không hề hay biết rằng, có một đứa khác, bé hơn nó đã bí mật bò qua mặt đê, đứng dán
mình sau “lâu đài” từ bao giờ. Quần áo nhẽo nhoẹt. Tóc bết dính. Tay khư khư ôm
một gói gì đó. Đứa bé lạ vừa hiếng mắt nhìn vào “lâu đài”, vừa hồi hộp lo sợ bị
phát giác. Thừa lúc thằng bé kia ra khỏi “lâu đài”, nhanh như con mèo, nó lẻn
vào đặt cái gói vào đống đệm lá khô rồi hấp tấp quay ra. Chỉ một loáng, nó đã
chạy biến xuống sườn đê bên kia, phóng như bay vào thành phố...
Thằng bé hì hụi kéo cành đa sét đánh về dựng
bên “lâu đài” rồi thả mình trên đống đệm lá khô. Nó bật dậy như lò xo khi nhận
thấy có cái gì cồm cộm dưới lưng. Trong ánh ráng chiều vàng khè, nó bỗng tròn
xoe mắt ngạc nhiên, vui mừng trước mấy cái bánh bao và quả cam trong lớp báo
lua tua, ướt át. Nó nghếch mắt nhìn tứ phía rồi toét miệng cười: “Ai à...có lẽ
ông bụt thương mình vừa cho người mang đến...”.
* *
*
…Nghe tiếng đứa bé khóc ré lên trong nhà ga ngột ngạt
và tiếng bà mẹ dỗ dành con, ả Lành giật mình nghĩ đến thằng Anh và thằng Em
đang bơ vơ vất vưởng ở thị trấn. Hai tháng về trước, trong một đêm ồn ào của thị trấn, đám bạn gái như một cơn lốc, cuốn ả đến một
thành phố mới. Ả chỉ kịp giúi lại mấy đồng bạc cho thằng Anh, dặn nó đùm bọc
em, cùng lắm thì tìm cách ăn xin trong những ngày vắng ả. Rồi ả thu xếp quần
áo, son phấn ra đi. Không biết chúng nó ở nhà có sao không. Mặc dù đã quen với
cảnh này, nhưng bụng ả giờ đây sao cứ như lửa đốt. Tàu sắp chuyển bánh, cửa vào
ga vừa đóng... Ả đột ngột bật dậy như lò
xo, vọt ra khỏi phòng đợi. Vừa liếc vào phía trong cổng sắt, ả vừa nhổ toẹt bãi
nước bọt vào lòng tay xoa xoa, rồi kéo gấu quần, xoắn tít một vòng, lăn lên tận
đầu gối. Ả thoăn thoắt leo qua cánh cửa tua tủa những thanh sắt nhọn hoắt, nhảy
vào trong sân ga. Tàu rú còi chuyển bánh. Ả kịp níu vào tay vịn cửa toa cuối
cùng, đu người lên, mặc cho các nhân viên đường sắt khoát tay, rít còi inh
ỏi...
Ả Lành về đến thị trấn trước khi trời hừng
sáng. Chùa Am, nơi trước đây ả và hai con đã sống lạnh tanh. Con ả đi đâu? Mắt
ả bơ phờ, ngây dại. Mồm méo xệch. Ả định gọi, nhưng chúng nào có tên mà gọi.
Chúng ra đời không có giấy khai sinh. Chính ả cũng không biết người nào là bố
chúng. Chúng gọi ả là mẹ. Người ta thì gọi chúng là thằng Anh và thằng Em như ả
vẫn thường gọi...
- Ơi thằng Anh...ơi thằng Em...Chúng mày đi đâu? Mẹ đây
các con ơi!...
Ả băm bổ chạy tới, chạy lui. Ả mếu máo gào. Ả
cười. Rồi ả khóc...
Qua lời kể của bọn trẻ con và những người dân
trong thị trấn, ả mới hay rằng hai thằng con của ả đã dắt díu nhau ra ga, nhảy
tàu đi tìm làng trẻ mồ côi...
Những ngày vắng ả, thằng Anh lưng cõng em, tay
cầm mê rách, lang thang khắp phố huyện xin ăn. Hai anh em bữa đói bữa no, đêm
đến lại ôm nhau gật gà ở gốc cây, lề phố. Được một thời gian, thằng Anh dắt
thằng Em đến ở nhà ông Bình bán phở. Cũng tại quán phở này nó nghe người ta
kháo nhau về một làng trẻ mồ côi ở ngoài thành phố “...Những đứa trẻ sống vất vưởng không nhà, vào làng được nuôi ăn học,
dạy dỗ nên người...”. Nó lân la dò hỏi và ao ước một ngày nào đó thằng Em
của nó cũng được vào sống trong làng trẻ ấy.
Một hôm, thằng Em lau bàn, lóng ngóng
khua đổ lọ tương ớt. Ông Bình “phở” hằm hằm tóm lấy nó, thẳng tay giáng một cái
tát tóe đóm. Thằng Em giàn giụa nước mắt nước mũi mà chẳng dám hé miệng khóc
một tiếng. Thằng Anh đang rửa bát, đứng bật dậy, chạy đến, giật phắt tay thằng
Em khỏi tay ông Bình “phở”. Rồi nó quắc mắt nhìn ông, lôi tuồn tuột thằng Em ra
khỏi quán. Ngay chiều hôm đó, hai anh em nhảy tàu ra thành phố, lần tìm về làng
trẻ mồ côi...
Sau khi
kể lể ngọn ngành, nằng nặc xin cho thằng Em được vào làng trẻ, thằng Anh mới đi
tìm “nhà” cho mình và kiếm việc làm thuê. Thế là từ hôm ấy, cây đa và cái tháp
canh ở bến sông, gần làng trẻ, đã trở thành “lâu đài” của nó.
Bây giờ
thằng Em đã có họ, có tên hẳn hoi: Lê Tú Em. Họ của nó là họ của người mẹ nuôi.
Nó phải có họ, có tên để ghi vào nhãn vở mà đi học.
Lần thứ
nhất, thằng Anh đến làng trẻ khi thằng Em đang ngồi trong lớp học. Nó đến sát
phòng học, vểnh tai nghe. Thỉnh thoảng lại nhảy chồm chồm như con choi choi để
ló mặt lên cửa sổ xem em nó viết. Rồi chân đứng, chân dạng nó quay tít ba bốn
vòng và vung tay, dẫm chân đánh “bẹt” xuống đất, ngửa cổ lên trời, ôm mặt cười
“tằng tặc”. Trông nó y hệt kẻ vừa trúng số, cứ sướng rơn lên một mình vậy.
Lần thứ
hai, thằng Anh đến làng trẻ khi cả làng vừa thức dậy. Tay vung vẩy cái roi tre.
Vừa huýt sáo, vừa phì phèo điếu thuốc, nó đòi vào gặp thằng Em. Bác thường trực
yêu cầu nó vứt thuốc mới cho nó vào. Nó không chịu vứt thuốc mà còn đứng chống
nạnh, nhún chân, hút kỳ hết điếu thuốc mới vẩy roi đi vào.
-
Thằng Em ơi, ra tao cho cái này...
Nghe
tiếng thằng Anh, thằng Em vọt ra cửa. Hai anh em ôm chầm lấy nhau. Thằng Em
giàn giụa nước mắt. Thằng Anh vứt roi vỗ vỗ vào lưng em dỗ dành:
- Thôi, nín đi. Nín đi tao cho...Tao biết mày thích cái
này. Nào, cầm lấy. Sáng nay tao “trúng quả”
gánh nước thuê đó.
Vừa
nói, thằng Anh vừa rút từ trong lưng quần ra một chiếc bánh mì còn nóng hổi,
dúi vào tay thằng Em. Một lúc sau, nó đột ngột đẩy thằng Em ra, nghiêm giọng
nói:
- Mày
vào đây là tao bớt lo. Tao cấm mày không được tự ý đi khỏi đây. Có ai bắt mày
về, mày cũng không được về. Có nhà đâu mà về. Hễ gặp mày lang thang đâu đó thì
tao tóm cổ quẳng xuống sông, nghe chưa?
Thằng
Em ôm chiếc bánh mì vào lòng, lúng búng dạ trong cổ rồi đưa tay quệt nước mắt,
nhìn anh. Thằng Anh vỗ hai cái vào vai thằng Em bảo:
- Tao về “lâu đài” của tao đây. Vâng lời thì tao thương,
nghe không!
Nói
xong nó cúi nhặt cây roi, nhìn thằng Em lần nữa rồi co chân đá “xạch” hòn sỏi dưới đất vào bờ tường, nhọn mồm huýt sáo, đi ra khỏi làng
trẻ.
Thi
thoảng, thằng Anh lại đến tìm thằng Em. Ban ngày, nó đi cổng trước. Ban đêm, nó
chui hàng rào. Cứ mỗi lần “trúng quả”, nó lại mua cho thằng Em một chiếc bánh
mì. Nó vẫn biết, thằng Em giờ no cơm ấm áo, nhưng chiếc bánh mì “đặc sản” thì
không ai hiểu được mà chiều thằng Em như nó cả.
Một
hôm, thằng Em đòi theo Anh ra xem “lâu đài”, thằng Anh không cho. Lúc thằng anh
chui rào trở về, thằng Em bí mật bám theo. Biết được chỗ của thằng Anh, thằng
Em thỉnh thoảng lại lén mang các phần quà của mình ra “lâu đài” cho anh. Nó rất
sợ thằng Anh “tóm cổ vứt xuống sông” như đã tuyên bố, nhưng vẫn cứ thích ra làm
bạn với “lâu đài” và cây đa của anh. Mỗi lần ra bến sông không thấy anh, nó đu
dây leo lên “dinh cơ” của anh trên chạng ba ngọn đa, hét toáng lên một tiếng rồi
tụt xuống, vào “lâu đài” lăn tròn trên đống đệm lá khô đầy khoái chí.
Thằng Em
không hề biết rằng, những đêm nó trốn nhà chui rào làng trẻ ra bến sông, có một
bóng đen choàng khăn trắng cứ lúc ẩn lúc hiện chờn vờn sau lưng, không bỏ qua
một cử chỉ, việc làm nào của nó.
Có lần,
thằng Anh trở về đột ngột. Thằng em sợ hãi ném mấy củ khoai luộc vào “lâu đài”
rồi bỏ chạy. Nghe tiếng động thằng Anh nhào ra, chỉ thấy bóng đen choàng khăn
trắng đang băng xuống sườn đê bên kia...Trở vào “lâu đài”, cầm mấy củ khoai
luộc lên, thằng Anh nghĩ là của bóng đen nọ. Nó ngần ngại không dám ăn vì không
biết bóng đen choàng khăn trắng là ma hay là bụt.
Một hôm
ả Lành tình cờ bắt gặp thằng Anh đang bán thuốc lá ở nhà hát thành phố. Ả lôi
xềnh xệch nó đến gốc cây sau nhà hát, căn vặn đủ điều về tung tích thằng Em. Ả
không ngớt miệng la rầy nó đã bỏ mặc thằng Em cho người ta bắt đi. “Sướng khổ có anh có em, nỡ nào mày mang em
bỏ chợ...”. Rồi ả bắt thằng Anh dẫn ả đến làng trẻ...
Mẹ Thơm
– mẹ nuôi của thằng Em – và mọi người hết lời khuyên giải, nhưng ả Lành vẫn
nhất quyết đòi lại con mình. Cuối cùng người ta cũng phải dẫn thằng Em ra cho ả
gặp. Thấy mẹ, thằng Em vừa mừng, vừa sợ, cứ nem nép sau góc bàn, liếc mắt nhìn
anh thăm dò ý tứ...
Ả sững
người, không dám tin vào mắt mình nữa. Trước mặt ả không còn là đứa bé nhem
nhuốc, xanh gầy, áo quần lấm lem, rách rưới mà là một đứa bé khỏe mạnh, hồng
hào, mặt mũi khôi ngô, áo quần sạch sẽ, tinh tươm.
Ả đứng
ngắm thằng Em một lúc rồi chột dạ nhìn xuống bụng...Đứa con thứ ba sắp ra đời
đang quẫy đạp trong ả...Ả loay hoay móc túi lấy quả dưa lê đưa cho thằng Em rồi
bỗng dưng bật khóc. Chẳng nói chẳng rằng, ả vừa bước giật lùi, vừa đưa nón che
mặt khóc hu hu. Chân luống cuống bước hụt xuống bậc thềm làm ả suýt ngã. Ả
quếnh quáng như người say rượu, rồi quay đầu chạy một mạch ra khỏi làng trẻ.
Vừa chạy vừa mếu máo khóc như trẻ con bị đuổi đánh.
... Suốt
một tuần liền, ả Lành nằm vật vã trong cái ngách gầm cầu hôi hám. Cả đống bao
tải rách lượm được ở bãi rác, ả chất hết lên người mà vẫn rét run. Trong mê
sảng, ả luôn mồm gọi thằng Anh, thằng Em, nhưng chúng nào có nghe thấy. Chỉ có
cái bóng. Đúng, chỉ có cái bóng vất vưởng trên vòm xi măng, cái bóng lấp loáng
từ ngoài vào, đổ xuống người ả là nghe được lời ả...Cái bóng đưa thuốc cho ả uống.
Cái bóng bón cháo cho ả ăn. Cái bóng nhóm lửa cho ả sưởi. Cái bóng lầm lì đứng
canh chừng suốt đêm ngoài ngách gầm cầu những lúc ả mê man...
Đêm.
Tiếp đêm. Rồi đêm nữa lại xuống. Người ả bỗng nhẹ tênh. Ả đưa tay sờ trán, mồ
hôi toát ra đầm đìa, ả co chân đạp đống bao tải trên người và mệt mỏi đưa mắt
nhìn quanh...Cái bóng biến mất. Ả chống tay ngồi dậy...Ôi, cái bóng? Có phải
cái bóng của thằng Anh, con ả?
Còn lại
một mình, ả ôm gối, gục đầu khóc nức nở...”Con ơi... thằng Anh, thằng Em
ơi...mẹ đã bỏ rơi các con, các con đừng từ mẹ. Bao năm nay, chính mẹ cũng đã bị
cuộc đời cay nghiệt bỏ rơi rồi...”.
Đứa bé trong bụng lại quẫy đạp. Trời ơi, ả
không thể thả ra đời thêm một đứa không họ, không tên, sống vất vưởng giữa dòng
đời trôi dạt. Cái lon nước thằng Anh để lại vẫn còn đó. Ả với tay sang túi cói lấy gói thuốc tẩy thai của ông thầy lang đổ vào ống
bơ. Ả bẻ que, quấy vài vòng rồi ngửa cổ dốc cả vào miệng, nuốt ừng ực. Một lúc
sau, ả cảm thấy trong người bàng hoàng, rồi điên đảo như có ai cầm cào moi bới,
ả giật mình vì đã uống quá liều mà ông thầy lang chỉ dẫn. Ả đưa tay nắn nắn
lưng quần và ngơ ngác nhìn quanh... Biết thằng Anh ở nơi nào mà tìm? Phải rồi,
ả phải đến ngay làng trẻ. Ả phải đưa cái này cho thằng Em, con ả. Ả phải gặp
nó...
Như
ráng sức chạy đua với thời gian nghiệt ngã, ả cố vùng dậy, chới với nhoài ra
đường cái... Nhằm hướng làng trẻ, nơi có vầng sáng đang bừng lên trong hàng
rào, phía bên kia công viên, phía bên kia kênh đào của thành phố… Ả cắm cổ chạy. Ả đuổi theo
hàng rào. Hàng rào chạy dài vô tận. Đâu đâu cũng san sát hàng rào. Sau lưng ả
là bóng tối dày đặc. Trước mặt ả, bên phải, bên trái ả là hàng rào cao vút,
lạnh lùng. Ả có cảm giác như vầng sáng bên kia đang trải ra vô tận, còn những
song sắt hàng rào thì vây kín ả, tách ả khỏi cuộc sống con người. Bóng những chân song sắt loang loáng quất vào
bóng ả liêu xiêu, ả mệt mỏi nắm lấy những thanh hàng rào, ả muốn xé nó ra để
chạy thoát những bóng đen đang đuổi riết, chực nuốt chửng mình, nhưng tay ả yếu
ớt. Ả rã rời quỵ xuống. Mắt nhắm nghiền...
Những
thân hình nửa người nửa ngợm, những cặp mắt xảo trá lọc lừa, những bộ mặt méo
mó dị dạng... cứ hiện lên, xấn xổ đến vây kín ả, trói chặt ả vào bóng đen dày đặc.
- Kh...ô...ông! – Tiếng thét của ả yếu ớt ném vào bóng tối.
Bóng tối khẽ động đậy, rồi thản nhiên khép lại, xóa nhòa mọi dấu vết. Cánh tay
ả với những chấn song sắt, chới với níu vào quầng sáng. Nắm tiền trong lòng tay
– tài sản duy nhất từ gấu quần của ả - chìa ra phía bên kia hàng rào như muốn
thốt lên một lời tạ tội...
* *
*
Đêm ấy, thằng Em bị bắt quả tang. Tiếng thằng
Anh rin rít:
- Ai cho mày ra đây? Tao nện cho một trận nhừ tử bây
giờ.
- Em... em đưa cái này cho anh rồi về ngay – thằng em
run rẩy thì thào.
- À... té ra là của mày. Thế mà ông cứ tưởng... Thôi,
cầm lấy rồi đi về ngay, kẻo người ta lại đi tìm mày bây giờ. Tao không cần. Tao
chả thiếu gì hết!
Thằng Em cầm gói bánh lủi thủi bước ra khỏi “lâu đài”.
- Này, thằng Em! – thằng Anh giật giọng gọi – Quay lại
tao bảo... Nào, cầm cái gói ấy đi đằng này với tao!
Hai anh em bươn bả trong bóng tối tìm đến gầm cầu... Ả
Lành không còn ở đó nữa.
Thằng Anh đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm rồi bảo em:
- Để cái gói ấy vào đây cho mẹ. Nào, nhanh lên mà về
kẻo muộn.
Thằng Em đặt gói bánh xuống cái túi cói rồi ngơ ngác nhìn anh.
Một ngọn gió bất thường ùa đến.
Thằng Anh giật mình quay lại, ôm ghì lấy thằng em. Thằng Em bíu chặt vào người
anh sợ hãi... Trước mặt chúng, bóng đen choàng khăn trắng bỗng hiện lên... Và,
thoảng trong gió, một giọng nói ấm áp, dịu dàng:
- Về thôi con! Người ta đưa mẹ các con vào bệnh viện
rồi... Về thôi, nào! Về làng trẻ với các em và mẹ...
Thằng Em thốt reo:
- Mẹ Thơm! Anh ơi, mẹ Thơm đấy!
Thằng Anh ngước nhìn gương mặt đôn hậu trong
tấm khăn choàng của người phụ nữ rồi buông thả tay em... Một vầng trăng đang từ
từ hạ xuống. Tấm khăn choàng lấp lóa buông theo... Bất chợt, nó vụt nhớ đến
vầng trăng êm đềm vẫn sà xuống cây đa và “lâu đài” của nó... Thế rồi, trong
chớp mắt, thằng Anh biến mất. Thằng Em níu vạt áo mẹ Thơm quay lại, không thấy
anh đứng bên mình nữa. Từ đỉnh gầm cầu, bóng thằng Anh trổ dài trước mặt. Thằng
Em ngước mắt lên, thấy anh nó cao lớn lạ thường, cứ lừng lững đứng, lừng lững
nhô lên trên móng cầu, giữa nền trời vần vũ đầy mây như “lâu đài”, như cây đa
mọc giữa trời giữa bão...
Lê Cảnh Nhạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét