Lê Cảnh Nhạc là người Tĩnh (Hà Tĩnh), nên cái tình tràn ngập trong
thơ của anh. Cái tình trở thành bầu trời bao bọc và dung chứa con người.
Thoạt tiên, tôi mặc định trong đầu mình rằng Lê
Cảnh Nhạc là người viết văn xuôi, vì những tháng năm còn ngồi trên ghế
nhà trường, chúng tôi đã chuyền tay nhau đọc đến nát nhàu tập truyện Người học trò thứ 31 của anh.
Đã mặc định như vậy nên khi nghe thầy giáo dạy văn đọc những câu thơ: “Người
yêu ơi thôi nũng nịu em đi/Chằng ngại thiếu dầu thơm về gọi đầu lá
sả/Chim khách gọi đầu hè, chim chuyền cành trước ngõ/Tàu cau rụng sau
nhà, hoa bưởi nở vườn bên” trong bài Sao em không về quê cùng anh
của Lê Cảnh Nhạc mà không hiểu sao tôi vẫn đinh ninh nghĩ đó là thơ của
một Lê Cảnh Nhạc nào đó, không phải của tác giả tập truyện Người học trò thứ 31.
Giờ, khi đọc tập thơ… của anh thì mới biết rằng Lê Cảnh Nhạc đích thực là người thơ, nhà thơ. “Nghệ đa tài, Tĩnh đa tình”.
Lê Cảnh Nhạc là người Tĩnh (Hà Tĩnh), nên cái tình
tràn ngập trong thơ của anh. Cái tình trở thành bầu trời bao bọc và dung
chứa con người. Thiêng liêng vậy, quan trọng vậy cho nên lời tha thiết
này cũng rất hiển nhiên: “Xin tình đừng nhạt nắng/ Xin người đừng lơ đãng”.Có một tình cảnh trớ trêu về Tình được bày ra trong hai bài thơ đó là bài Hòn chồng và bài Tiếng đêm.
Trong tiếng gọi chồng giữa đêm thanh vắng, da diết, chứa đựng biết bao nhiêu trạng thái với câu hỏi cuối cùng: Tiếng gọi người về/Tiếng thốt hư không? (Tiếng đêm). Trong Hòn chồng thì: Đá đứng dìu đá ngồi/Thủy chung không biết mỏi/biển ầm ào xô đẩy/vết cứ hằn thời gian/đá sắt son tình đá.
Một kẻ là người thực đi xa khuất, hun hút, một kẻ
là đá đứng lại, bất khuất, kiên gan. Câu hỏi gieo vào lòng người, không
phải là giữa hai câu thơ mà là giữa hai bài thơ, về một chữ Tình đầy ẩn
nghĩa.
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc
Là người yêu quê đến đắm đuối, cho nên cái tình với miền quê Bão giật tháng Ba, lũ tràn tháng Tám ấy đã đi vào trong thơ Lê Cảnh Nhạc rất giản dị, nhưng không kém phần ám ảnh: “Con
lớn lên, đồng níu mẹ hai vai/Bão giật tháng ba, lũ tràn tháng tám/Đắp
đập vá đê, be bờ chống hạn/Hạt gạo nuôi con biết mấy tảo tần”. Quê hương cũng chính là hình ảnh của mẹ vậy.
Người ta bảo yêu nhiều thì ghen lắm, điều này
quả thật là chí lý. Nếu anh không còn ghen hay không bị ghen nữa thì nên
xem lại tình yêu. Lê Cảnh Nhạc còn được ghen, còn bị ghen, nghĩa là còn
được và “bị” yêu thắm thiết lắm: “Mầm
ghen bủa vây xới đất lật nhà/Gặp lực cản càng lớn nhanh như thổi/Khi rần
rật lửa rơm, khi ngàm âm ỉ cháy/Đôi mắt ghen nhìn, đôi tai ghen nghe”.
Và đây nữa: “Vẫn
là em, điên đảo hờn ghen/Nồng như ớt, mặn như là muối bể/Cuống quýt vào
ra chua chanh chát khế/Quay quắt thương, quay quắt nhớ xa chồng”.
Mặc dù làm Tổng biên tập của một tờ báo thuộc Bộ Y
tế có đầy đủ thuốc Đông, Tây y kết hợp nhưng cuối cùng anh kết luận chỉ
có một loại thuốc duy nhất phòng được bệnh ghen là: “Phòng bệnh ghen chỉ có trái tim yêu”.
Ghen ở đây là để tăng thêm gia vị cho cuộc sống vợ chồng, ghen để tình
yêu được thăng hoa hơn, hết giận rồi là để yêu thêm mà thôi.
Thơ Lê Cảnh Nhạc trữ tình, giản dị, sâu lắng
nhưng không sa vào dễ dãi, ngay cả ở mảng thơ thế sự thì anh cũng lấy
cái tình để chắp cánh cho những tự sự của mình được thăng hoa. Thơ anh
thuộc dạng dễ đọc nhưng đọc được nhiều lần.